Tuy nhiên, sau nhiều năm tồn tại, trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhãn hàng và yêu cầu ngày một cao của người tiêu dùng, chất lượng dịch vụ cũng như sản phẩm của mô hình này đang có dấu hiệu đi xuống.

Hàng đồng giá – đánh trúng tâm lý người dùng Việt

Trong cơn sóng gió của thị trường hàng đồng giá, đã có không ít những cửa hàng do tư nhân mở ra và có cả những thương hiệu nước ngoài đã phải nói lời tạm biệt do sức cạnh tranh yếu, không đủ đa dạng về mặt hàng.

Daiso Japan là một trong những thương hiệu đến nay còn "sống khỏe" khi vẫn duy trì được các cửa hàng tại cả Hà Nội và TP.HCM sau 10 năm tồn tại và song hành cùng người tiêu dùng Việt.

Thương hiệu Daiso được thành lập năm 1972 tại Nhật Bản và được coi là “ông hoàng” 100 yên khi phát triển được chuỗi cửa hàng lớn tại các thành phố của Nhật Bản, đồng thời mở rộng chuỗi cửa hàng của mình ra toàn thế giới.

Hướng đến các sản phẩm đa dạng từ đồ gia dụng, dụng cụ làm bếp, làm vườn, văn phòng phẩm, hóa mỹ phẩm, thời trang, đồ chơi,... với mức giá đồng nhất 40.000 đồng/sản phẩm nên Daiso Japan không kén khách và đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhóm khách hàng.

Theo đánh giá của các chuyên gia thì sự đa dạng, tiện dụng và đặc biệt là mức giá phải chăng chính là thế mạnh của các cửa hàng đồng giá. Đây cũng chính là lý do giúp cho các thương hiệu này còn đứng vững trên thị trường sau hơn 1 thập kỷ qua.

Nghiên cứu của Nielsen về niềm tin người tiêu dùng Việt Nam quý II/2018 cho hay, người tiêu dùng Việt hiện đang đứng đầu khu vực về mức tiết kiệm. Dù vậy, sau khi chi trả cho các chi phí sinh hoạt thiết yếu, người dùng Việt vẫn sẵn lòng chi tiêu cho việc đi du lịch, mua sắm quần áo và các sản phẩm công nghệ vì họ muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Vậy để thấy sự phát triển của chuỗi các cửa hàng đồng giá như Daiso Japan cho tới nay vẫn thu hút được mối quan tâm lớn của người tiêu dùng Việt Nam ở mọi lứa tuổi với tiêu chí "hàng Nhật, ngon, bổ, rẻ".

Ngon, bổ liệu có rẻ?

Tuy nhiên, sau cơn “tăng trưởng nóng” thì Daiso bắt đầu có những dấu hiệu chững lại khi mà phản hồi tiêu cực từ khách hàng ngày càng nhiều.

Qua fanpage của cửa hàng hay qua các website đánh giá, những ý kiến nhận được hầu hết là than phiền về chất lượng sản phẩm, tiếp đến là về thái độ của nhân viên, mặc dù có những hồi đáp sẽ rút kinh nghiệm nhưng những ý kiến than phiền vẫn chưa dừng lại.

Phần lớn khách hàng phản hồi về thái độ của nhân viên và tỏ ra không hài lòng về chất lượng của sản phẩm của Daiso.

Phần lớn những phản hồi là về thái độ kém chuyên nghiệp của nhân viên và tỏ ra không hài lòng về chất lượng sản phẩm của Daiso Japan.

Đặc biệt khi mà từ tên thương hiệu tới cách trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Daiso luôn gắn với mác hàng Nhật nhưng khi khách hàng kiểm tra sản phẩm lại thấy nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc chiếm quá nửa, theo lời một vị khách hàng thì điều này chẳng khác nào… “treo đầu dê, bán thịt chó”.

Và điều đáng nói là khi được hỏi về nguồn gốc của các sản phẩm thì đại diện Daiso Japan cho hay, chỉ có khoảng 30 - 40% hàng hóa trong chuỗi có xuất xứ từ Nhật Bản, còn lại được sản xuất ở Việt Nam và Trung Quốc.

Hàng chữ trong cửa hàng của Daiso khiến khách hàng lầm tưởng rằng đây là cửa hàng chỉ cung cấp sản phẩm có xuất xứ Nhật Bản.

Hàng chữ trong cửa hàng của Daiso khiến người mua lầm tưởng rằng nơi đây chỉ cung cấp sản phẩm có xuất xứ Nhật Bản.

Chị Mai Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Vì nghĩ là cửa hàng Nhật nên mình vào đây để mua đồ chơi trẻ em cho yên tâm, nhưng khi xem thì thấy phần lớn nhãn mác đều ghi xuất xứ Trung Quốc, mà những món đồ đó ở ngoài cũng bán rất nhiều và giá chỉ 20.000-30.000 đồng”.

Sau khi dạo quanh 1 vòng cửa hàng Daiso Japan tại Home City (Trung Kính), bác Lan (Ba Đình, Hà Nội) nêu quan điểm: “Dòng chữ “Tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản trong cửa hàng đã làm nhiều người mua hàng lầm tưởng rằng mọi thứ đều là hàng Nhật, mà tâm lý người Việt vẫn luôn ưa chuộng và tin tưởng sản phẩm của nước này nên đã kéo chân khách hàng”.

Thực tế thì rất nhiều món đồ tại Daiso có xuất xứ từ Trung Quốc.

Thực tế thì rất nhiều món đồ tại Daiso có xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo quan sát của PV, đặt trong cùng kệ hàng và đa dạng hàng hóa thì mức giá 40.000 đồng là rẻ nhưng với nhiều mặt hàng thì đó chưa hẳn đã là giá tốt. Do vậy mà khi mua sắm khách hàng thường mất rất nhiều thời gian để cân nhắc chọn lựa món đồ sao cho mình không bị “lỗ”.

Được đổi trả trong vòng 24h nhưng đối với những sản phẩm như miếng dán hạ sốt hay một số loại sản phẩm sức khỏe thì sự lựa chọn mua đồng giá dường như là kém an toàn thì người mua không biết rõ nguồn gốc, tên tuổi thương hiệu sản phẩm vì là hàng hóa nguồn gốc Nhật Bản nhưng đa dạng về thương hiệu, tên tuổi nhà sản xuất nên e rằng “bắt được vạ thì má đã sưng”.

Có thể thấy, dù mức thu nhập không quá thấp nhưng với tiêu chí “tiết kiệm là trên hết” của người Việt thì các cửa hàng đồng giá như Daiso, Mumuso hay Miniso vẫn sẽ còn chỗ đứng. Tuy nhiên, làm thế nào để giữ chân khách hàng khi mà tiêu chuẩn sống ngày một nâng cao và khắt khe hơn và để không còn mang tiếng “treo đầu dê bán thịt chó” thì còn là một câu hỏi lớn dành cho các nhà cung cấp như Daiso Japan.

Theo Bảo Châu/Reatimes.vn