Thiếu chủ động phòng chống thiên tai?
20h00 ngày 21/7, nước sông Bùi đã ngấp nghé mặt đê. Thế nước dâng nhanh, mưa lớn vẫn tiếp diễn, chính quyền xã Nam Phương Tiến mới tá hoả phát loa truyền thanh kêu gọi người dân kê kích tài sản, di tản người già, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Đến 4h00 ngày 22/7, nước bắt đầu tràn đê, nhấn chìm hoa màu, cô lập khu dân cư.
Trong khoảng thời gian chóng vánh đó, hộ ông Nguyễn Văn Sách, xóm Đông, thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến không kịp trở tay. Dù đã huy động 10 người đi lùa đàn vịt đẻ 2.000 con chạy lũ, nhưng vì nước dâng quá nhanh, ông Sách chỉ kịp cứu hộ 1.500 con vịt. Số vịt còn lại đã xổng chuồng, bơi tứ tung khắp hướng, không thể đuổi bắt. Nhiều thiết bị giá trị; hàng ngàn quả trứng và 27.000m2 ao cá chuẩn bị thu hoạch đã bị dòng nước lũ nhấn chìm.
“9 tháng trước, trận lụt bất ngờ đã khiến gia đình tôi thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Bây giờ lũ lại tiếp tục cướp đi gần 1 tỷ đồng nữa. Thử hỏi còn ai dám đầu tư ở mảnh đất đầy tai ương này?”, giọng ông Sách rầu rĩ.
Sau nửa tháng ngập lụt, nguồn nước tại một số địa phương đã bị ô nhiễm. Nhiều đàn gà, vịt mắc bệnh tiêu chảy, chúng bỏ ăn và chết dần. Để cứu đàn vật nuôi, nhiều nông dân đã thuê thuyền nhỏ để di tản vật nuôi lên vùng cao. Nhưng, đây cũng chỉ là giải pháp cứu vãn tình thế. Bởi trong quá trình vận chuyển, một số lượng lớn lợn, gà, vịt đã bị chết vì kiệt sức.
Anh Nguyễn Hữu Kết (xóm Trong, thôn Nam Hài) cho biết: Ngày 29 và 30/7, mưa lớn ở khu vực thượng nguồn khiến mực nước bất ngờ dâng cao lần thứ 2 khiến khu chuồng gà bị ngập. 2000 con gà lông màu 3 tháng tuổi có nguy cơ chết đuối. Suốt ngày hôm đó, anh phải nhốt gà vào bu rồi chèo thuyền chuyển đến xóm Hủng Sò (thôn Nam Sơn, xã Nam Phương Chính) cách đó chừng 3km để nhờ anh em chăm sóc giúp. Vì thuyền nhỏ nên mỗi lần chỉ vận chuyển được 60 con, cực khổ không lời nào tả xiết mới vận chuyển được hết cả đàn. Tuy nhiên, khi đến nơi lánh nạn, đàn gà không chịu ăn và mắc bệnh. Chỉ tính 5 ngày qua, anh Kết đã thiệt hại 600 con gà.
Có lẽ người bị thiệt hại vì ngập lụt lớn nhất là ông Nguyễn Hữu Đức (thôn Nam Hài). Gia đình ông đã bị mất trắng 40.000m2 ao cá, 3.300 con vịt đã bị thất lạc vì nước dâng tràn hàng rào trong trang trại khiến đàn vịt sợ hãi bơi đi khắp nơi. Cố gắng lắm ông Đức mới lùa được 700 con vịt về roi đất cao ở thôn Nam Sơn để lánh nạn. Tuy nhiên, đàn vị của ông sức khoẻ rất yếu, nhiều con bị bại liệt chân không thể đi. Ngày nào ông cũng gom hơn chục con vịt chết để tiêu huỷ.
Nhiều gia đình không tìm được điểm lánh nạn cho vật nuôi, đành phải bán gà, vịt non với giá rất rẻ. Anh Nguyễn Hữu Kết cho biết, bình thường một con nặng 1,2kg có giá khoảng 130.000 đồng, nhưng nếu bây giờ bán chạy lũ cả đàn, thương lái chỉ mua 60.000/con. Nguyên nhân là do vận chuyển đường xa trong điều kiện thôn bị cô lập, thuyền dễ bị chòng chành và lật, tỷ lệ gà chết rất nhiều. Bên cạnh đó, thể trạng của đàn gà không tốt, dễ mắc bệnh. Còn nếu bán gà thịt thì sẽ rất khó, vì gà chưa đủ ngày, thịt nhão và nhạt.
Hiện nay, mực nước tại khu vực ngập lụt của huyện Chương Mỹ đã rút xuống khoảng 80cm so với đỉnh điểm. Qua thống kê sơ bộ, có hơn 3.600 hộ bị nước lũ nhấn chìm; gần 1.400 ha lúa; hơn 600 ha nuôi trồng thủy sản bị mất trắng; hơn 55.000 con gia súc gia cầm bị nước cuốn trôi. Còn những thiệt hại về cơ sở vật chất hạ tầng thì chưa thể tính toán được.
Ước nguyện được di cư
Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, nhiều người dân ở xã Nam Phương Tiến có tâm nguyện được di chuyển đến nơi ở mới. Theo anh Kết, hầu hết người dân vùng ngập lụt tại các thôn Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hài (xã Nam Phương Tiến) đều đã được nhà nước chia đất canh tác tại các khu vùng cao (nơi không bao giờ lo ngập úng).
Bởi vậy, chúng tôi rất mong TP Hà Nội và chính quyền địa phương có cơ chế đặc thù cho vùng phân lũ xã Nam Phương Tiến, chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp tại các khu đất cao thành đất thổ cư. Người dân sẽ xây nhà, chuyển đến nơi ở mới và ổn định cuộc sống lâu dài.
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết: Phương án di dân mà địa phương đưa ra là không hợp lý, nếu xét theo tính chất đặc thù của một địa bàn nằm trong vùng phân lũ. Chẳng hạn, như phương án phòng chống thiên tai của UBND huyện Chương Mỹ đưa ra, thì trong mục địa điểm và phương tiện hỗ trợ khi sơ tán người dân tại các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến… chỉ đề cập duy nhất một dòng “sơ tán nội bộ từ nơi thấp lên nơi cao”. Tôi cho rằng, người lập phương án như vậy là vô trách nhiệm. Bởi tôi được biết, mỗi khi các địa phương xảy ra ngập lụt, phải mất hàng tháng trời nước mới có thể rút. Vậy trong thời gian đó, người dân sẽ ở chỗ nào? Ăn uống, sinh hoạt ra sao? Tất cả câu hỏi đó đang bị quan chức năng bỏ ngỏ.
Ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, Hà Nội cũng khẳng định: “Chỉ khi nào thực hiện công tác di dân ra toàn bộ khu vực trũng thấp thì người dân thì mới hết sống chung với lũ”. Nhưng, ông cũng đưa ra thông tin khiến nhiều người thất vọng: “Đấy là chủ trương tương lai. Có khi nào có điều kiện kinh tế phát triển thì chúng ta sẽ thực hiện. Trước mắt trong thời gian 10 - 20 năm bà con vẫn phải xác định là sống chung với lũ”.
Nói như ông Đinh Mạnh Hùng thì không lẽ TP Hà Nội chỉ biết bất lực đứng nhìn người dân vùng phân lũ hứng chịu tai ương suốt cả thập kỷ?