Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Trước đó, Bộ Xây dựng nhận được Văn bản số 8671/BCT-TTTN ngày 25/10/2018 của Bộ Công Thương về việc đánh giá cung cầu năm 2018, dự báo cân đối cung cầu năm 2019.
Theo Bộ Xây dựng, đánh giá tổng hợp việc thực hiện cân đối năm 2018 đối với xi măng, tình hình thị trường trong nước và thế giới, các nhân tố tác động đến sản xuất, tiêu thụ và các giải pháp đã thực hiện để đảm bảo cân đối cung cầu xi măng năm 2018.
Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ toàn ngành 10 tháng đầu năm 2018 đạt 85,23triệu tấn.Trong đó, sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa đạt 59,18 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2017; sản lượng clanhke và xi măng xuất khẩu đạt 26,05 triệu tấn, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2017.
Thị phần tiêu thụ, giá bán xi măng tại các vùng miền và giá xuất khẩu cụ thể như sau: Tại miền Bắc, thị phần tiêu thụ chiếm khoảng 40% tổng sản lượng xi măng tiêu thụ toàn quốc; giá bán xi măng từ 920.000 đồng/tấn đến 1.570.000 đồng/tấn.
Tại miền Trung và Tây Nguyên, thị phần tiêu thụ chiếm khoảng 26% tổng sản lượng xi măng tiêu thụ toàn quốc; giá bán xi măng từ 980.000 đồng/tấn đến 1.800.000 đồng/tấn.
Tại miền Nam, thị phần tiêu thụ chiếm khoảng 34% tổng sản lượng xi măng tiêu thụ toàn quốc; giá bán xi măng từ 1.290.000 đồng/tấn đến 1.780.000 đồng/tấn.
Ngoài ra, trị giá xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2018 đạt 1,01 tỷ USD, giá xuất khẩu trung bình 10 tháng đầu năm 2018 là 38,55USD/tấn.
Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội xi măng Việt Nam, Tổng Cty công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM), chỉ đạo các đơn vị sản xuất xi măng trong toàn quốc thực hiện các giải pháp như: Triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát huy đạt và vượt công suất thiết kế, giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm.
Chỉ đạo VICEM phối hợp với các đơn vị liên doanh tính toán kỹ nhu cầu tiêu thụ xi măng tại khu vực miền Trung, miền Nam và các tỉnh miền núi phía Bắc để bố trí hợp lý việc vận chuyển xi măng, clanhke đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt trong các tháng cao điểm của mùa xây dựng.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác triển khai các đề tài ứng dụng công nghệ như các dự án tận dụng nhiệt thừa khí thải trong các nhà máy xi măng để sản xuất điện, việc tự túc một phần sản lượng điện này góp phần giảm thiểu tác động của việc thiếu điện; dự án tận dụng nguồn chất thải của các ngành công nghiệp như tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất; rác thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu cho ngành xi măng, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư và bảo đảm môi trường.
Thực hiện đúng tiến độ đầu tư các dự án xi măng theo quy hoạch phát triển ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu đưa các dự án vào hoạt động đúng tiến độ.
Tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án xi măng dự kiến đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Đồng thời xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, dự kiến tháng 6/2018 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Năm 2018 nền kinh tế cả nước đã có dấu hiệu khởi sắc, nhiều dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án bất động sản và cơ sở hạ tầng, giao thông đã được triển khai xây dựng trở lại. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước đã có những cách tiếp cận thị trường quốc tế tốt và Trung Quốc đang dừng sản xuất nhiều nhà máy xi măng.
Trên cơ sở số liệu tiêu thụ 10 tháng đầu năm 2018, dự kiến tổng sản lượng xi măng, clanhke tiêu thụ năm 2018 khoảng 95-96 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2017. Trong đó, xi măng tiêu thụ nội địa khoảng 66 triệu tấn, tăng 10% với năm 2017; xuất khẩu sản phẩm xi măng và clanhke khoảng 29-30 triệu tấn, tăng 50% so với năm 2017, giá trị xuất khẩu ước đạt 1,17 tỷ USD.
Ngoài ra, cần rà soát, tính toán nhu cầu, khả năng cung ứng xi măng năm 2019 cho thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp bình ổn thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô: Năm 2019 tình hình kinh tế cả nước vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi vẫn được Chính phủ quan tâm, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhu cầu xây dựng của người dân vẫn nhiều.
Trên cơ sở dự kiến sản lượng xi măng tiêu thụ năm 2018, Bộ Xây dựng tính toán nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2019 khoảng 98-99 triệu tấn, tăng 6-8% so với năm 2018; trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 69-70 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 29-30 triệu tấn.
Về khả năng sản xuất: Năm 2019 dự kiến có 2 dây chuyền sản xuất xi măng nào đi vào vận hành. Cả nước có 84 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất đạt 101,74 triệu tấn, hoàn toàn có khả năng sản xuất đủ xi măng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năm 2019 (bao gồm cả xi măng tiêu thụ nội địa và clanhke, xi măng xuất khẩu).
Các giải pháp của Bộ Xây dựng nhằm bình ổn thị trường năm 2019 như: Hoàn thiện Chiến lược phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phối hợp với các bộ, ngành, Hiệp hội xi măng Việt Nam triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát huy đạt và vượt công suất thiết kế, giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; đẩy mạnh công tác triển khai các đề tài ứng dụng công nghệ như các dự án tận dụng nhiệt thừa khí thải trong các nhà máy xi măng để sản xuất điện, việc tự túc một phần sản lượng điện này góp phần giảm thiểu tác động của việc thiếu điện; dự án tận dụng nguồn chất thải của các ngành công nghiệp như tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất; rác thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu cho ngành xi măng, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư và bảo đảm môi trường; nghiên cứu phát triển các loại xi măng bền sun phát phục vụ nhu cầu xây cho các công trình ven biển và hải đảo.
Hiện nay, sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc và Thái Lan có thể tăng lên thì xuất khẩu xi măng của Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh nhiều hơn.Các doanh nghiệp cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để tránh bị ép giá, giữ giá bán ổn định; có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bộ Xây dựng đã chỉ đạo toàn ngành Xi măng phấn đấu giảm chi phí sản xuất, chi phí lưu thông nhằm giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, để thực hiện tốt việc bình ổn, cân đối cungcầu và kiềm chế tốc độ tăng giá năm 2019, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công Thương, Tổ Điều hành thị trường trong nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ có chính sách hợp lý trong việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng trọng yếu như điện, than, xăng, dầu. Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam có kế hoạch cung cấp đủ than theo nhu cầu sản xuất và đảm bảo chất lượng than cho các nhà máy xi măng; Tổng Cty điện lực Việt Nam (EVN) cấp đủ điện cho sản xuất xi măng.
Bộ Xây dựng với trách nhiệm là Bộ quản lý chuyên ngành sẽ chỉ đạo các cơ sở sản xuất đáp ứng đủ xi măng cho nhu cầu tiêu thụ năm 2019 và phấn đấu bình ổn giá ở mức độ hợp lý.