Người bán luôn khẳng định "đào Việt Nam, đào Sapa ..."
Mùa đào Việt Nam rộ vào khoảng tháng 5 – 6, sang đến tháng 7, loại quả này đã bắt đầu hết vụ. Tuy nhiên, tại thị trường Hà Nội vẫn tràn ngập các loại đào mà khi hỏi nguồn gốc, người bán hàng nào cũng khẳng định là hàng Việt Nam, hàng Sơn La, hàng Sapa…để dễ bán.
Trên thực tế, đào Việt Nam hiện nay chủ yếu được trồng ở Lào Cai, giống đào là đào Pháp. Tổng diện tích cả tỉnh chỉ khoảng 300ha với khoảng 150.000 cây tuổi thọ gần 10 năm nay. Còn với giống đào truyền thống đã trồng từ xưa hiện đã mất nhiều do bị chặt cành, đốn gốc đem về miền xuôi để chơi tết, nên sản lượng trái không còn như trước, tổng diện tích cả vùng cũng chỉ còn chừng 360ha nằm rải rác ở các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương...
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lào Cai cho hay, mùa đào ở Lào Cai đã thu hoạch từ tháng 5-2015 và mãn vụ vào giữa tháng 6. Để phục hồi lại diện tích đào, Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai đã có chủ trương nhập giống đào Pháp về trồng tại Sa Pa và Bắc Hà để tạo nguồn thu cho bà con sở tại do những năm gần đây nhu cầu tiêu thụ đào ở Việt Nam phát triển mạnh.
Do đó, đào hiện được bán tràn ngập ở Hà Nội chủ yếu là đào có nguồn gốc từ Trung Quốc. So sánh về chất lượng đào Lào Cai và đào Trung Quốc, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: “Chất lượng đào Trung Quốc không thể so sánh được với đào Sa Pa – Lào Cai. Mặc dù đào Trung Quốc quả to, màu sắc đẹp mắt nhưng ăn xốp và nhạt còn đào Sa Pa quả nhỏ nhưng thơm ngon hơn nhiều, nên luôn có giá bán cao hơn”.
Theo ông Tuấn, thời điểm này, ngay tại khu du lịch Sa Pa – Lào Cai, đào bán rất nhiều để cho khách du lịch mua về làm quà phần lớn cũng là đào được tư thương chở từ TP Lào Cai, nhập từ Trung Quốc lên bán chứ không phải là đào Sa Pa chính hiệu.
Hoang mang về nguồn gốc hàng hóa, thật giả lẫn lộn
Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 thuộc Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện chưa thống kê được số lượng đào mà doanh nghiệp nhập từ Trung Quốc về Việt Nam qua cửa ngõ Lạng Sơn, đồng thời cũng chưa thể khẳng định trái cây Trung Quốc có đảm bảo an toàn hay không?
Tuy nhiên tất cả các lô hàng nhập về đều được các trạm kiểm dịch thu mẫu kiểm tra nhanh tại chỗ và đồng thời gửi các mẫu về Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng tại Hà Nội. Kết quả kiểm dịch các mẫu không có hóa chất và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nằm trong ngưỡng cho phép.
Tuy nhiên, điều làm người tiêu dùng băn khoăn lo ngại là do trên thị trường tồn tại cùng một loại trái cây song lại có nguồn gốc khác nhau có thể dẫn tới việc khó phân biệt hàng hóa và liệu có được kiểm dịch về an toàn vệ sinh thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật. Người bán hàng thường lập lờ nói dối về nguồn gốc trái cây, khẳng định trái cây Trung Quốc là trái cây Việt Nam để dễ bán hàng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ năm 2008 đến nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thực hiện cam kết kiểm soát nhãn hiệu và truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu giữa hai bên.
Theo đó, các loại nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc cũng như nông sản nhập về đều phải dán nhãn bao bì, doanh nghiệp phải có hồ sơ, địa chỉ nguồn hàng nhập khẩu, nơi trồng để khi xảy ra sự cố có thể truy xuất tận gốc. Tuy nhiên, tình trạng tư thương cố tình lập lờ để đánh lừa người tiêu dùng là không thể chấp nhận được, cơ quan chức năng có trách nhiệm cần phải vào cuộc và quản lý tốt hơn.