Việc thương lái thu mua sản phẩm lạ đời đã trở thành một kịch bản được lặp đi lặp lại. Chiêu bài cũ của những thương lái này vẫn là thu mua với giá cao ngất ngưởng, tung tin mua với số lượng lớn và bỗng dưng biến mất làm nông dân điêu đứng.
Những loại sản phẩm kỳ quặc như đỉa, ốc bươu vàng, móng trâu, rễ tiêu, lá điều khô, mãng cầu xiêm…không xác định được giá trị sử dụng và thị trường tiêu thụ nhưng được giá nên người nông dân vẫn bất chấp.
1. Mua rễ sim
Vào tháng 9/2012, nhiều người dân huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đổ xô lên rừng đào rễ cây sim về bán với giá cao cho thương lái Trung Quốc.
Rễ sim được thương lái trả giá 2.500 đồng/kg. Mỗi ngày một người có thể đào được 100kg rễ sim. Việc thu mua rễ sim không xác định rõ mục đích nhưng nó đã khiến nhiều cánh rừng bị cày bới tan hoang và hàng vạn cây sim bị tận diệt.
2. Thu mua đỉa
Kỳ lạ nhất có lẽ là vụ thu mua đỉa của các thương lái Trung Quốc xảy ra vào khoảng tháng 5/2012. Nhiều thương lái Trung Quốc ào ào sang Việt Nam thu mua đỉa. Giá thu mua lên tới 1-2 triệu đồng/kg đỉa khô. khiến người dân đổ xô ra các cánh đồng để bắt đỉa. Việc thu mua đỉa ào ạt của Trung Quốc khiến người dân không chỉ đi bắt mà còn thi nhau nuôi đỉa.
Cơn sốt thu mua đỉa có lẽ kéo dài nhất trong các loại của lạ thương lái Trung Quốc thu gom. Tới tận năm 2014, tại các cánh đồng của huyện Can Lộc, Đức Thọ, Hà Tĩnh vẫn xuất hiện nhóm người lạ đi tìm bắt đỉa một cách chuyên nghiệp. Mục đích của việc thu mua này là gì thì chưa ai có thể xác định rõ xong dư luận đã nhiều lần dậy sóng bởi thông tin đỉa sấy khô được cho vào sản xuất các mặt hàng thực phẩm Trung Quốc bán tại Việt Nam.
3. Mua trắc dây
Năm 2014, hàng trăm người dân tại Khánh Hòa đã bỏ công vào rừng khai thác và thu gom trắc dây bán cho thương lái Trung Quốc bất chấp sự truy quét của lực lượng kiểm lâm. Gỗ được thu mua với giá từ 6.000- 12.000 đồng/kg. Ngoài thu mua gỗ lớn, các thương lái còn thu mua cả gốc, rễ, gỗ trắc non.
Khi nhiều người đi khai thác và một lượng lớn trắc dây được thu gom thì thương nhân Trung Quốc lại không mua nữa.
4. Mua rễ tiêu
Năm 2014, tại Gia Lai rộ lên việc thương lái Trung Quốc thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu còn sống. Rất nhiều người dân chuyển sang thu gom gốc, rễ cây tiêu đem bán với giá 45.000 đồng/kg.
Sự việc cao trào khi nhiều người dân ồ ạt đào bới để đem bán. Đặc biệt, liên tiếp xảy ra hiện tượng đào trộm gốc, rễ tiêu của người khác đem bán, gây mất an ninh trật tự. Trước khi sự việc mất kiểm soát, UBND huyện Chư Sê đã phải ra văn bản gửi chính quyền các xã nghiêm cấm việc đào bới gốc, rễ tiêu.
5. Thu mua hạt na
Khoảng giữa năm 2014, nhiều thương lái đã thu mua hạt na Lạng Sơn với giá 100.000 đồng/kg để bán sang Trung Quốc. Khác với mọi năm, ngoài thu mua quả thì Trung Quốc còn mua cả hạt na.
Gía thu mua cao khiến nhiều người dân kéo nhau vào rừng nhặt hạt. Tuy nhiên việc Trung Quốc thu mua hạt na đã tạo nên lo ngại thương hiệu na Chi Lăng có thể mất chỗ đứng trên thị trường. Trước tình hình trên, chính quyền xã Chi Lăng đã kiểm tra, rà soát, vận động người dân không nên bán hạt na sang Trung Quốc và đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ thương hiệu na Chi Lăng.
6. Thu mua lá điều khô
Khoảng đầu năm 2015, người dân Đồng Nai đổ xô đi thu gom và đem bán lá điều khô với giá khoảng 1.200 đồng/kg. Hoạt động thu gom tấp nập đến nối chỉ riêng tại xã Gia Canh, huyện Định Quán, Đồng Nai đã có tới 4 điểm thu mua lá điều khô, mỗi điểm thu mua khoảng 1 tấn lá/ngày. Thương lái thu mua lá điều khô với giá cao khiến nhiều người tận diệt lá điều.
Việc thu gom lá điều lan rộng ra cả các tính miền Đông Nam Bộ. Kỳ lạ là khi lực lượng chức năng mời thương lái lên làm việc thì ngay ngày hôm sau toàn bộ lá điều khô đã bị mang ra cánh đồng vắng đốt bỏ, thương lái rời khỏi địa bàn trong khi chính các cơ quan chức năng cũng chưa kịp hiểu mục đích vì sao lại thu gom và đốt bỏ ngay sau đó.
7. Mua lá mãng cầu xiêm, mây rừng
Lá mãng cầu xiêm và trái mây rừng được thu mua làm gì thì không một ai biết
Tại Hậu Giang và Tiền Giang đầu năm nay xuất hiện một số tiểu thương lạ mặt thu mua lá mãng cầu xiêm. Lá tươi được thu mua với giá từ 10.000- 15.000 đồng/kg, lá khô từ 35.000- 45.000 đồng/kg.
Lá được thu mua với giá cao chính vì thế mà nhiều hộ dân đã đổ xô thu gom lá mãng cầu mặc dù chưa biết mục đích của các thương lái này là gì. Thậm chí có hộ đốn bỏ cả cây để bán lá. Việc thương lái lạ mua lá mãng cầu xiêm còn chưa hạ nhiệt thì tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông người dân lại bỏ vườn rẫy, ồ ạt vào rừng tìm trái mây rừng để bán cho thương lái Trung Quốc. Giá thu mua từ 100.000 - 170.000 đồng/kg.
Để tránh thiệt hại về kinh tế, cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân nên đề cao cảnh giác. Bởi đây có thể là chiêu trò của các thương lái Trung Quốc như các trường hợp từng xảy ra trước đây. Thực tế thì người nông dân vẫn sập bẫy dù rất nhiều bài học được rút ra trước đó.
8. Thu mua cau non
Tình trạng thu mua cau non xảy ra tại các tỉnh miền Tây từ đầu tháng 5/2015 tới nay. Tại các vựa, trái được cắt ra khỏi buồng và đóng vào thùng xốp rồi chuyển đi thành phố Hồ Chí Minh theo yêu cầu của thương lái. Cau non được thương lái tới thu mua cao non với giá 30.000 đồng/kg.
Cau già thường bán ở các chợ nhỏ, giá không cao. Cụ thể, với loại cau đẹp bán tại vườn đang có giá khá rẻ là 4.000 đồng/kg đối với loại 12-13 quả/kg. Mức giá này rẻ hơn tới 4 lần so với bán cau non. Do đó, hầu hết người dân đều tận thu cau non để bán.
Ông Vũ Bá Quan Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách, Sóc Trăng phân tích, tình trạng mua tận thu cau non nếu xét về trước mắt thì nhà vườn có lợi nhưng về lâu dài sẽ xảy ra tình trạng vài tháng sau không còn cau để phục vụ cho nhu cầu hàng ngày hoặc mùa cưới sẽ hiếm cau.
Ngoài ra, một số nhà vườn trồng ổi hiện đang bị thua lỗ vì ổi rớt giá chỉ còn 600 – 700 đồng/kg bị hấp dẫn bởi giá cau có thể sẽ chặt ổi, trồng cau. Do vậy, nhà vườn cần tỉnh táo không chạy theo lợi ích trước mắt mà chặt hạ những cây trồng hiện có để trồng cau, ông Vũ Bá Quan khuyến cáo.