Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử, do Bộ Tài chính soạn thảo.
Đáng quan tâm, Dự thảo quy định: “Trường hợp người bán có website thì sau khi gửi người mua và cơ quan thuế, người bán đăng tải thông tin hóa đơn trên website của người bán.”
Theo VCCI, nếu đây là quy định bắt buộc, có thể gây ra tác dụng ngược, khiến các DN giảm động lực lập và sử dụng website, trong khi đây lại là một hoạt động rất đáng được khuyến khích.
Vì thông tin về khách hàng, về giao dịch mua bán cũng như giá cả, doanh thu thường là các bí mật kinh doanh của DN, cơ quan thuế có trách nhiệm bảo đảm các bí mật thông tin của DN đã cung cấp cho cơ quan thuế vì mục đích quản lý thuế.
Việc yêu cầu DN phải đưa thông tin lên website sẽ vi phạm các nguyên tắc bảo mật, DN sẽ không chấp hành. Điều này sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý thuế và không đảm bảo tính hiệu quả của chính sách. Do đó, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
VCCI đề nghị bỏ qui định đăng thông tin về hóa đơn lên website của người bán hàng (ảnh: internet) |
Dự thảo cũng quy định: “Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”.
Quy định này phù hợp với Nghị định 119, tuy nhiên sẽ có một số trường hợp gặp khó khăn. Ví dụ, trường hợp hàng hoá xuất kho được thuê vận chuyển đến cho người mua. Người bán sẽ buộc phải lập hoá đơn khi giao hàng cho người vận chuyển (để người vận chuyển có hoá đơn mang trên đường) mặc dù khi đó hàng hoá chưa được chuyển quyền sở hữu hay quyền sử dụng cho người mua.
Hay với trường hợp hàng hoá cho phép dùng thử thì thời điểm chuyển quyền sử dụng là khi bắt đầu dùng thử, nhưng thời điểm chuyển giao sở hữu lại là khi kết thúc dùng thử và đồng ý mua hàng. Khi đó, sẽ rất khó xác định thời điểm lập hoá đơn như thế nào cho phù hợp
Theo quy định của pháp luật dân sự, thời điểm chuyển sở hữu hoặc quyền sử dụng là thời điểm giao tài sản hoặc thời điểm hoàn thành đăng ký tài sản hoặc cũng có thể do các bên thoả thuận.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo hướng dẫn chi tiết hơn về thời điểm lập hoá đơn với một số trường hợp thường phát sinh trong hợp đồng mua bán hàng hoá như giao hàng qua người vận chuyển; mua bán hàng hoá có lắp đặt, chạy thử, hướng dẫn sử dụng; mua bán hàng hoá là bất động sản phải đăng ký; mua bán hàng hoá là bất động sản không phải đăng ký; mua bán hàng hoá trả chậm, trả dần; mua bán hàng hoá có cho dùng thử; mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá; mua bán hàng hoá là quyền tài sản (như quyền sở hữu trí tuệ, quyền đòi nợ)…
Dự thảo quy định việc ngừng sử dụng hoá đơn điện tử đối với trường hợp DN đang sử dụng hoá đơn nhưng có dấu hiệu theo tiêu chí rủi ro và đã được yêu cầu giải trình nhưng không giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu.
Việc ngừng sử dụng hoá đơn được coi là biện pháp mạnh, bởi biện pháp này sẽ khiến DN không thể xuất hoá đơn cho khách hàng. Trước nay, biện pháp này chỉ được áp dụng trong trường hợp cưỡng chế nợ thuế, tức là DN đã có vi phạm về thuế, đã có quyết định xử phạt mà không chấp hành, cần cưỡng chế.
Trong khi đó, theo VCCI, việc cơ quan thuế yêu cầu bổ sung thông tin, tài liệu cho hoạt động đánh giá rủi ro, mà chưa có quyết định xử phạt cũng như cưỡng chế thì có thể coi là một vi phạm ít nghiêm trọng hơn. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bãi bỏ quy định này.
Trong trường hợp DN thiếu hợp tác trong việc cung cấp thông tin để đánh giá rủi ro thì chỉ xử phạt vi phạm hành chính, và chỉ khi DN không chấp hành quyết định xử phạt thì mới tính đến phương án ngừng sử dụng hoá đơn.
Phương Thảo