Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Trong Phiên thảo luận ở Tổ 1, các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Hà Nội đều đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện phát triển kinh tế năm 2022 cũng như tập trung thảo luận về các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Theo đó, đa số ý kiến các ĐBQH đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng VAT. Các đại biểu cho rằng, chính sách giảm thuế này là một trong những chương trình thuộc Nghị quyết 43 và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong việc giảm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, để tăng cường tính hiệu quả, nhiều ý kiến đề xuất nên kéo dài việc giảm thuế cho đến hết năm 2024.
Việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước.
Chính phủ đề xuất giảm thuế VAT từ 1/7/2022- 31/12/2023. Theo các ĐBQH, việc chỉ áp dụng trong vòng 6 tháng tới là không đủ, do đó cần có thêm thời gian để tăng tính hiệu quả trong thực thi chính sách.
Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu TP.Hà Nội), trong năm 2022, thu ngân sách nhà nước tăng 12,5%, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác.
Vì vậy, việc giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết để góp phần tăng trưởng kinh tế. Thời gian hỗ trợ giảm thuế không nên chỉ 6 tháng cuối năm 2023 mà nên kéo dài sang năm 2024 theo chiều hướng cân đối ngân sách, đánh giá hiệu quả chính sách.
Cùng quan điểm, ĐBQH Lê Quân (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính là giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10%. Điều này cũng là để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh doanh tốt hơn.
Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Quân, việc giảm thuế nếu chỉ tính đến hết năm 2023 thì không thể đánh giá được hết hiệu quả của chính sách hỗ trợ giảm thuế. Vì vậy, Quốc hội nên xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ doanh nghiệp đến ngày 1/7/2024 hoặc hết năm 2024.
Đồng thuận với việc giảm thuế giá trị gia tăng, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trong năm 2022, thu ngân sách Nhà nước tăng 12,5%, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác.
Vì vậy, việc giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết để góp phần tăng trưởng kinh tế. Thời gian hỗ trợ giảm thuế không nên chỉ 6 tháng cuối năm 2023 mà nên kéo dài sang năm 2024 theo chiều hướng cân đối ngân sách, đánh giá hiệu quả chính sách.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/de-xuat-giam-thue-gia-tri-gia-tang-den-het-nam-2024-77780.html