Theo Bộ Công an, năm 2018, toàn quốc đăng ký mới 339.215 xe ô tô, 4.002.931 xe mô tô; riêng 3 tháng đầu năm 2019 đăng ký mới 106.750 xe ô tô, 892.948 xe mô tô, nâng tổng số phương tiện đã đăng ký tại cơ quan Công an đến 15-2-2019 là 3.991.377 ô tô, 59.062.380 mô tô.

Theo quy định, khi được chuyển nhượng xe, người bán (chủ xe) phải thông báo ngay cho cơ quan Công an biết, theo dõi, còn người mua có trách nhiệm đến cơ quan Công an làm thủ tục đăng ký sang tên trong thời hạn 30 ngày, nếu không làm thủ tục đăng ký sang tên, người mua sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc quản lý xe chính chủ còn chưa chặt chẽ, số lượng xe không làm thủ tục đăng ký sang tên còn nhiều. Điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý xe và ảnh hưởng đến các hoạt động xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hệ thống giám sát, truy nguyên người điều khiển phương tiện khi xảy ra tai nạn giao thông, các hoạt động tội phạm sử dụng phương tiện trên các tuyến giao thông…

Nguyên nhân theo Bộ Công an là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao, tình trạng chuyển nhượng phương tiện theo hình thức mua bán trao tay, không sang tên đổi chủ còn phổ biến.

de xuat mien le phi truoc ba khi sang ten phuong tien giao thong tu lan thu 2 tro di
Bộ Công an đề xuất miễn lệ phí trước bạ khi sang tên đổi chủ phương tiện giao thông từ lần thứ hai trở đi

Bên cạnh đó, chế tài xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ chỉ quy định xử phạt đối với hành vi không sang tên đổi chủ thông qua công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông nghiêm trọng và công tác đăng ký xe, không quy định xử phạt đối với hành vi này trong công tác tuần tra kiểm soát (không xử phạt các trường hợp sử dụng xe không chính chủ khi tham gia giao thông).

Đáng quan tâm, chính sách lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký từ lần thứ 2 trở lên còn cao, chưa khuyến khích người dân đăng ký sang tên; quy định về công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán xe còn rườm rà, gây khó khăn khi làm thủ tục chuyển nhượng, đăng ký sang tên, đổi chủ. Việc bãi bỏ quy định chủ xe phải gửi thông báo cho cơ quan Công an khi bán xe theo Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30-10-2017 của Chính phủ tạo kẽ hở, gây khó khăn trong công tác quản lý phương tiện chính chủ.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Công an đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định đăng ký xe, quy định chặt chẽ hơn như: chủ xe phải chịu trách nhiệm về vi phạm pháp luật liên quan đến phương tiện do mình đứng tên; phải thông báo khi chuyển nhượng xe; quy định về chủ xe ô tô khi đăng ký phải có tài khoản ngân hàng….

Đồng thời, đề xuất Chính phủ chỉ đạo các đơn vị, chức năng sửa đổi các quy định thủ tục như miễn lệ phí trước bạ khi sang tên (không thu lệ phí sang tên từ lần thứ 2 trở đi). Bên cạnh đó, Chính phủ cần sửa đổi Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, bổ sung chế tài về xử lý hành vi chủ phương tiện không thông báo cho cơ quan Công an khi bán, cho, tặng, thanh lý xe; bổ sung xử phạt không sang tên, đổi chủ thông qua công tác tuần tra kiểm soát giao thông.

Theo phapluatxahoi.vn