Theo đó, Bộ đề xuất tăng mức lương tối thiểu từ 150.000 - 240.000 đồng so với mức hiện hành năm 2019, tương ứng với mức tăng từ 5,1% - 5,7% tùy theo từng vùng, mức bình quân tăng 5,5%. |
Ảnh minh họa |
Theo đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau: Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II; mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III; mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mức lương tối thiểu trên (tăng từ 150.000 đồng - 240.000 đồng so với mức hiện hành năm 2019, tương ứng với mức tăng từ 5,1% - 5,7% tùy theo từng vùng, mức bình quân tăng 5,5%), mức tăng này bảo đảm bù trượt giá sinh hoạt dự kiến khoảng 3,5 - 4% và cải thiện theo mức tăng năng suất lao động xã hội khoảng 1,5% - 2%, cao hơn mức sống tối thiểu 0,3%.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, qua tổng hợp đề xuất của các địa phương, hầu hết đều đề nghị giữ nguyên địa bàn áp dụng mức lương vùng như hiện hành.
Có 5/63 địa phương đề nghị điều chỉnh một số địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng, cụ thể: Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đề nghị điều chỉnh từ vùng III lên vùng II đối với huyện Đồng Phú; Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đề nghị điều chỉnh từ vùng IV lên vùng III đối với các huyện Đông Sơn, Quảng Xương; Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị điều chỉnh từ vùng IV lên vùng III đối với các huyện Nghi Lộc, Phú Giáo và thị xã Cửa Lò; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ đề nghị điều chỉnh từ vùng IV lên vùng III đối với huyện Cẩm Khê; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre đề nghị điều chỉnh từ vùng III lên vùng II đối với thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành, vùng IV lên vùng III đối với các huyện Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày Nam.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thấy rằng, việc đề xuất điều chỉnh vùng của các địa phương là có cơ sở, do các địa bàn trên có thị trường lao động khá phát triển, nhiều cụm, khu công nghiệp, điều kiện cơ sở hạ tầng đã được cải thiện đáng kể, giáp với các địa bàn khác có mức lương tối thiểu vùng cao hơn. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp thu vào dự thảo Nghị định, thống nhất với đề nghị điều chỉnh nâng vùng của các địa phương để tạo sự cân đối hợp lý về giá nhân công giữa các địa bàn lân cận.
Về thời điểm áp dụng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất thực hiện quy định mới từ ngày 1-1-2020.
Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/de-xuat-tang-muc-luong-toi-thieu-vung-tu-51-57-155724.html