Tại Toạ đàm về mức sống tối thiểu, tình hình đời sống, thu nhập của người lao động; đề xuất phương án tiền lương tối thiểu vùng (LTTV) năm 2020 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức vào chiều 10/7, nhiều đại biểu đã đồng tình với việc tăng LTTV từ 7-8%.

tong ldld de xuat tang luong co ban nam 2020 tu 7 8

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Ngọ Duy Hiểu chủ trì Toạ đàm 

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, lương không đủ sống là nguyên nhân của 80% các cuộc đình công diễn ra ở Việt Nam trong những năm qua. Lương không đủ sống không kích thích người lao động (NLĐ) làm việc, làm việc không năng suất và ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp (DN).

Một điểm quan trọng là lương thấp sẽ không kích thích DN đầu tư đổi mới công nghệ, mà vẫn bị hút vào sử dụng lao động giá rẻ. Như vậy, không tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. NLĐ lương thấp sẽ phải làm thêm giờ để kiếm sống, không có thời gian nghỉ ngơi bù đắp sức khỏe, không có thời gian học tập nâng cao trình độ…

Bà Văn Thu Hà, chuyên gia độc lập cho biết, lương không đủ sống mang lại nhiều hệ lụy đến công nhân lao động. Theo một nghiên cứu của tổ chức Oxfam, ngoài buộc phải làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập (65% công nhân nói rằng họ thường xuyên làm thêm giờ ); lương không đủ sống còn ảnh hưởng đến công nhân (CN) ở góc độ dinh dưỡng, nhà ở và điều kiện sống…28% CN nói rằng tiền lương không đủ để đảm bảo chi tiêu ăn uống cho gia đình trong cả tháng, trong đó 50% cho biết họ phải vay tiền để mua thức ăn; 6% cho biết vào cuối tháng, CN chỉ ăn cơm chan canh suông; 96,2% nói họ lo lắng về an toàn, học hành và dinh dưỡng của con cái trong thời gian họ ở nhà máy; 23% đang sống trong điều kiện nhà ở tạm bợ; 44% cho biết đang sử dụng nước giếng và nước mưa và không chắc về nguồn nước sử dụng có sạch và an toàn hay không; 9% bày tỏ khó khăn về tài chính ảnh hưởng đến quyết định sinh con; 20% cho biết lương của họ không đủ để mua đồ dùng học tập cho con cái…

“Cuộc khảo sát của chúng tôi cho thấy rất nhiều công nhân may có mức lương chưa đủ sống. Họ phải chi tiêu ở mức dè xẻn và hiếm khi chi tiền vào những khoản chưa thực sự cần thiết. Các chi tiêu cho giải trí, hoạt động xã hội và thậm chí đi lại về quê thăm gia đình và bạn bè, ít công nhân có thể dám chi trong tiền lương hàng tháng của họ. Có công nhân nhận mức lương sản phẩm đạt 10-12 triệu, nhưng họ thường làm việc hết sức”- bà Hà nhấn mạnh. 

Tại Toạ đàm, nhiều ý kiến đồng tình, cuộc sống thay đổi, đi lên thì nhu cầu sống tối thiểu cũng sẽ phải thay đổi. Ví dụ, hiện nay, xem truyền hình, dùng internet; hay dùng điện thoại động… phải được coi là mức sống tối thiểu. Cũng có ý kiến cho rằng, quốc tế quan niệm lương tối thiểu (LTT) phải là lương đủ sống, tức là tối thiểu đủ sống hay đủ sống ở mức tối thiểu. Muốn làm được như vậy, cần thay đổi phương pháp tính toán mức sống tối thiểu ở Việt Nam. Phương pháp tính của Việt Nam được áp dụng từ 10 năm trước, không còn phù hợp với nhu cầu cuộc sống và trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay, nên nếu vẫn tiếp tục tính như vậy, sẽ không đảm bảo LTT đủ sống cho NLĐ của ngày hôm nay.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Ngọ Duy Hiểu cho biết, để có căn cứ đề xuất mức tăng LTTV năm 2020 vấn đề quan trọng là xác định được mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ quan chính thức được pháp luật quy định có thẩm quyền nghiên cứu và công bố mức sống tối thiểu của NLĐ, nhiệm vụ này đang được giao cho bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia tính toán để tham khảo. Kết quả tính toán này cũng không dễ được các bên chấp nhận. 

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), mức tăng 5,3% trong năm 2019 hiện mới chỉ đáp ứng trên 95% nhu cầu NLĐ. Trong khi đó, Nghị quyết số 27/TƯ đề ra đến năm 2020, quá trình xây dựng tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.

Trong lần đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu cho năm 2020, Tổng LĐLĐ Việt Nam cơ bản nhất trí sử dụng phương pháp và các căn cứ để xác định mức sống tối thiểu của NLĐ dựa vào nhu cầu tiêu dùng tối thiểu mà Bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất khi xây dựng phương án điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2018, điều chỉnh năm 2019.

Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn giữ quan điểm đề xuất phương án tăng lương cơ bản năm 2020 từ 7%-8% mới có thể đáp ứng nhu cầu tối thiếu của người lao động hiện nay.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/tong-ldld-viet-nam-de-xuat-tang-luong-co-ban-tu-7-8-7151.html 

Theo Kinh Tế Môi Trường