Đó là thông tin vừa được đưa ra tại Hội nghị phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi các tỉnh phía Nam, do Cục Thú y tổ chức tại TP.HCM ngày 29/11.

14-49-54_dich_t_lon_p_st_vn
Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm để kiểm tra virus ASF ở Trung tâm Thú y Vùng 6

Theo TS Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y), thông tin mới nhất của OIE cho thấy, tính từ năm 2017 đến ngày 25/11, đã có 19 quốc gia báo cáo có dịch tả lợn Châu Phi (ASF), gồm: Bỉ, Bulgaria, CH Chad, Trung Quốc, Cote D’Ivoire, CH Séc, Estonia, Hungary, Kenya, Latvia, Litva, Moldova, Nigieria, Ba Lan, Romania, Nga, Nam Phi, Ukraina và Zambia. Tổng số lợn bị bệnh là trên 374 ngàn con. Số lợn chết vì bệnh trên 124 ngàn con. Tổng đàn lợn có nguy cơ, buộc phải tiêu hủy là trên 859 ngàn con.

Tại Trung Quốc, tính từ đầu tháng 8 đến ngày 25/11, đã phát hiện 81 ổ dịch tại 20 tỉnh, TP. Đã có trên 570 ngàn con lợn ở Trung Quốc bị tiêu hủy.

Điều đáng lo ngại nhất là ASF ở Trung Quốc đã tiến rất sát tới biên giới Việt Nam. Cụ thể, ổ dịch tại Simao thuộc TP Phổ Nhĩ (Vân Nam) chỉ cách biên giới giáp các tỉnh Tây Bắc  khoảng 150km. Do đó, nguy cơ ASF xâm nhập vào Việt Nam xâm nhiễm vào Việt Nam ngày một cao.

Trong khi đó, hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc, vẫn đang xảy ra. Từ tháng 8 đến nay, các địa phương đã bắt giữ, xử lý 63 vụ, tiêu hủy 324 con lợn các loại và 16.814kg các loại sản phẩm của lợn được vận chuyển trái phép hoặc không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, nhất là cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín, cũng có thể đưa virus ASF vào Việt Nam.

Ở Trung Quốc, để ứng phó với ASF, Chính phủ nước này đã ban hành và thực thi nhiều biện pháp mạnh như: Tiêu hủy toàn bộ lợn trong vùng dịch và nâng mức đền bù từ 115 USD/con lên 175 USD/con (từ 13/9/2018), không phân biệt lợn lớn, lợn nhỏ; đóng cửa các chợ lớn sống ở các tỉnh có dịch; cấm vận chuyển lợn sống và thịt lợn ở các tỉnh có dịch; Chính phủ thiết lập vùng dịch bán kính 3km và vùng đệm 10km xung quanh vùng dịch; cấm cho lợn ăn thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt bảo đảm tiêu diệt mầm bệnh. Tuy nhiên, dù đã áp dụng những biện pháp mạnh như trên, nhưng nguy cơ bùng phát những ổ dịch mới ở Trung Quốc vẫn rất lớn. Do đó, với điều kiện chăn nuôi ở Việt nam như hiện nay, nếu ASF xâm nhiễm vào sẽ rất khó kiểm soát.

Trước tình hình đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, phải huy động tổng lực của các Bộ, ngành để ngăn chặn sự xâm nhiễm của ASF vào Việt Nam. Các địa phương phải nắm rõ diễn biến của ASF, tuân thủ nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của TƯ và địa phương, khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với ASF trên địa bàn.

Theo TS Nguyễn Văn Long, việc giám sát chủ động ASF như với nhiều dịch bệnh khác trên lợn có thể dẫn đến cái nhìn sai về an toàn với bệnh. Đan Mạch đã tiến hành cả giám sát chủ động (săn) và giám sát bị động (đã chết) trên lợn rừng. Kết quả cho thấy, kiểm tra 2.765 mẫu từ giám sát chủ động, chỉ có 40 mẫu dương tính ASF (1,45%). Trong khi đó, kiểm tra 245 mẫu từ giám sát bị động, có tới 177 mẫu dương tính ASF (72,24%). Như vậy, xác xuất phát hiện một trường hợp dương tính ASF ở động vật đã chết cao hơn 50 lần so với động vật bị săn bắn. Do đó, với ASF, cần tiến hành giám sát bị động. Đó là lấy mẫu từ những con lợn bị bệnh, nghi bị bệnh, chết không rõ nguyên nhân, để xét nghiệm.

Theo Nông nghiệp Việt Nam