Theo đó, ngày 26/3, trên địa bàn thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh (H.Hải Lăng, địa phương giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên - Huế) có 9 con lợn của một hộ dân nghi bị nhiễm tả lợn châu Phi.
Sau đó, ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đã lấy mẫu, gửi đi xét nghiệm, xác định đó là tả lợn châu Phi. Chính quyền và cơ quan chức năng Quảng Trị đã tiến hành tiêu hủy, phun hóa chất, tiêu độc khử trùng, làm tất cả các biện pháp nghiệp vụ theo đúng quy định.
Các lực lượng chức năng cũng đã tiến hành tổ chức tiêu hủy số lợn bị bệnh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và các khu vực lân cận trong xã; đồng thời, tiến hành kiểm tra, kiểm soát không để vận chuyển lợn và các sản phẩm liên quan đến lợn ra vào vùng dịch…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm thực hiện các công việc sau: Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp quyết liệt, tập trung nguồn lực để nhanh chóng khống chế, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng; đề xuất nhu cầu kinh phí, vật tư hóa chất, vắc xin, nhân lực phục vụ phòng chống dịch theo đúng quy định.
Trước đó, ngày 19/3, sau khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại thôn Hiền An (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) và cũng là ổ dịch đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, UBND tỉnh Quảng Trị đã thành lập thêm chốt kiểm dịch tạm thời trên Quốc lộ 1 phía Nam tỉnh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng), giáp giới với tỉnh Thừa Thiên - Huế. UBND huyện Hải Lăng cũng đã thành lập 4 chốt kiểm dịch tại 4 xã giáp ranh với huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) là Hải Chánh, Hải Hòa, Hải Dương, Hải Khê.
Tùng Linh