Từ ngày 1-1-2020, khẩu hiệu "Đã uống rượu bia, không lái xe" chính thức được luật hóa. Theo đó Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia sẽ bắt đầu có hiệu lực. Một trong những quy định quan trọng tại luật này là nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Trước thông tin này, rất nhiều người dân vô cùng hoang mang và lo lắng, bởi trên thực tế không chỉ rượu bia mà còn một số loại hoa quả rất phổ biến cũng khiến hơi thở của người sử dụng có nồng độ cồn cao hơn mức bình thường.
Dưới đây là các loại hoa quả có thể gây ra nồng độ cồn mà bạn cần biết.
Quả vải
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, vải là một loại quả có chứa lượng đường cao. Do đó, khi để chúng ngoài một thời gian, loại quả này sẽ xảy ra hiện tượng lên men rượu. Nên khi ăn vải có lượng đường trên sẽ bám vào khoang miệng, chưa kể lượng cồn trong quả vải rất nhỏ nên không đủ hấp thu vào máu; do đó lúc ăn vào lượng cồn sẽ chuyển hóa qua phổi và khiến hơi thở có mùi cồn. Dù ăn nhiều hay ít, khi kiểm tra máy đo nồng độ cồn vẫn báo có cồn trong khoang miệng sau khi ăn vải.
Nho, sầu riêng, dứa, táo, chuối, xoài
Không riêng gì quả vải, mà các loại quả khác như: sầu riêng, nho, dứa, xoài, chuối,… khi ăn vào cũng khiến hơi thở có nồng độ cồn. Thông thường, các loại quả này khi để một thời gian dài ngoài môi trường sẽ sinh ra mùi cồn đặc trưng, thậm chí qua thời gian dài sẽ chuyển hóa thành axit có mùi chua.
Ngoài ra, không chỉ các loại quả mà một số thức ăn nguồn gốc tinh bột, đường, nếu bảo quản không tốt, tồn lưu dài thì cũng có thể lên men, gây nồng độ cồn trong cơ thể.
Tuy nhiên, PGS-TS Thịnh cho biết người dân không nên quá lo lắng trước vấn đề ăn trái cây xong cũng có thể bị thổi phạt. Bởi nồng độ cồn trong các loại thực phẩm này đều không cao và sẽ bay hơi chỉ sau một thời gian ngắn.
Do vậy, khi tham gia giao thông, tốt nhất là các lái xe nên tránh ăn nhiều các sản phẩm này, hoặc sau khi ăn xong nên súc miệng kỹ, ngồi nghỉ 30 - 60 phút để lượng cồn bay hết trước khi lưu thông trên đường, để tránh bị xử phạt oan, gây rắc rối về thời gian.