Bệnh lý về thận có thể gặp ở mọi lứa tuổi
Theo các bác sĩ, thận là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể. Chúng có vai trò lọc máu và điều tiết dịch cùng các chất khác trong máu. Khi thận “có vấn đề” sẽ kéo theo các cơ quan khác trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng nhất định.
Thực tế cho thấy, hiện nay, ngày càng có nhiều người mắc các bệnh lý về thận, đặc biệt là tình trạng suy thận. Bệnh thận có thể gặp ở bất cứ nhóm tuổi nào, cả trẻ nhỏ, thiếu niên, thanh niên, người già, tuy nhiên, nhóm đối tượng dễ phát triển bệnh thận là những người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, bệnh di truyền như thận đa nang; nhiễm khuẩn, nghẽn tắc hay bệnh bẩm sinh đường tiết niệu; bệnh Lupus ban đỏ hệ thống; bệnh phì đại và ung thư tuyến tiền liệt; dùng thuốc giảm đau chống viêm một số thuốc kháng sinh trong thời gian dài.
Theo PGS.TS Đinh Thị Kim Dung, nguyên Trưởng khoa Thận Tiết niệu (Bệnh viện Bạch Mai), khi bị suy thận ở giai đoạn đầu, những triệu chứng khá mơ hồ, không rõ ràng nên dễ khiến người bệnh chủ quan. Giai đoạn này, người bệnh có thể chỉ cảm thấy mệt mỏi thoáng qua, da xanh phù nhẹ.
Đến khi có các triệu chứng rõ ràng hơn như buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, da xanh… tức là bệnh suy thận đã tiến triển ở giai đoạn nặng. Khi đó, việc điều trị rất khó khăn.
Ăn quá mặn, uống ít nước, dùng kháng sinh và các chất kích thích... là những thói quen gây hại cho thận. Ảnh minh họa
Khi thận có diễn biến xấu thì nhiều vấn đề sức khỏe có thể xảy ra như thiếu máu, bệnh xương, tổn thương thần kinh và tăng huyết áp. Tổn thương thần kinh ngoại biên sẽ gây yếu chân, tay hay có cảm giác kiến bò, cảm giác nóng rát hay khó chịu và bứt rứt ở bàn chân, cẳng chân, dáng đi thay đổi.
Theo thống kê, hiện nay, ở nước ta có khoảng 800.000 người mắc suy thận ở giai đoạn cuối. Điều đáng nói, căn bệnh này xuất phát từ những thói quen tưởng chừng như rất đơn giản hàng ngày.
Một số thói quen gây hại cho thận như:
Ăn quá nhiều thịt
Thịt có nhiều chất đạm nên khi vào cơ thể sẽ hình thành nhiều axit, từ đó khiến thận phải làm việc quá mức mà không xử lý hết axit được, lâu dần thận sẽ bị hư tổn và hoạt động kém hiệu quả.
Ăn quá mặn
Đây được coi là nguyên nhân khiến nước trong cơ thể khó được bài tiết ra ngoài làm tăng thêm gánh nặng cho thận, suy giảm chức năng của thận.
Uống ít nước
Lười uống nước cũng chính là một thói quen gây ảnh hưởng đến chức năng đào thải độc tố dư thừa ra khỏi cơ thể. Do đó, nếu không có đủ lượng nước cần thiết thì cơ thể sẽ chất chứa nhiều độc tố và làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh thận.
Thức đêm thường xuyên
Việc thức đêm thường xuyên sẽ làm rối loạn đồng hồ sinh học trong cơ thể, từ đó làm tăng gánh nặng bài tiết của thận và thận không có thời gian nghỉ sẽ suy giảm sức đề kháng của cơ thể.
Lạm dụng thuốc Tây
Việc sử dụng thuốc đều đi qua hệ thống lọc của thận và thải ra ngoài, về lâu ngày sẽ gây tổn thương đến thận, làm giảm chức năng và dẫn đến hiện tượng suy thận.
Làm sao để phòng ngừa?
Theo các bác sĩ, cách phòng bệnh thận tốt nhất là uống đủ 1,5-2 lít nước/ngày. Uống nhiều nước sẽ giảm được nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Bên cạnh đó, tập thói quen sinh hoạt, ăn uống khoa học, hạn chế rượu bia, thuốc lá, không dùng thuốc kháng sinh bừa bãi để tránh việc thận phải hoạt động quá nhiều.
Để dự phòng các bệnh lý về thận có thể xảy ra, các chuyên gia khuyến cáo, người khỏe mạnh cũng nên đi kiểm tra chức năng thận định kỳ 3-6 tháng/lần bằng cách siêu âm và xét nghiệm máu. Với những người nghi ngờ mắc bệnh thận cần phải làm 3 xét nghiệm cơ bản là xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm.
Trong đó xét nghiệm máu cần làm ure, creatinin, đường huyết, axit uric, công thức máu, phân tích nước tiểu để đánh giá chức năng thận trong nước tiểu. Siêu âm giúp đánh giá được hình thái thận và tìm hiểu được một số nguyên nhân như sỏi, u nang hay có tình trạng ứ nước hay không.
N.Mai