Khác biệt về số lượng suất chiếu
Những bộ phim điện ảnh Việt Nam ra mắt gần đây đã cho thấy một thực trạng không thể phủ nhận rằng có sự chênh lệch rất lớn giữa các phim ăn khách và phần còn lại. Doanh thu của phim ăn khách có thể lên đến hàng chục thậm chí là hàng trăm tỷ đồng.
"Tiệc trăng máu" có thể xem là ví dụ khá điển hình vì cho dù là một bản phim làm lại (remake) tác phẩm gốc nhưng vẫn thu hút được lượng lớn công chúng đến rạp trong năm 2020.
Sang năm 2021, điện ảnh Việt mở màn bằng bộ phim "Võ sinh đại chiến" của đạo diễn Bá Cường, khai thác vẻ đẹp và triết lý võ thuật cổ truyền của đất nước.
Dù công chiếu được vào thời điểm vàng tức từ ngày 31/12 đến 3/1 trùng vào dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch, là những ngày cuối tuần đầu tiên trong năm mới. Nhưng số suất chiếu lẫn giờ chiếu của phim đều không khả quan. Theo số liệu từ Box Office Vietnam, "Võ sư đại chiến" chỉ có vỏn vẹn 2.249 suất.
Tác phẩm "Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử", ra mắt trước đó một tuần lại có đến 9.248 suất chiếu, gấp 4 lần "Võ sinh đại chiến".
Dịp nghỉ lễ vừa qua bộ phim của Thu Trang thu thêm 21 tỷ đồng tiền vé trong khi phim của đạo diễn Bá Cường chỉ thu về 1 tỷ đồng, không thể bù lại khoản đầu tư đến 22 tỷ. Lễ Giáng sinh trước đó, bộ phim "Người cần quên phải nhớ" cũng thảm bại với doanh thu chưa đầy 2 tỷ đồng sau một tuần công chiếu.
Thực trạng này đã khiến vị đạo diễn Bá Cường của Võ sư đại chiến “sang chấn tâm lý” vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Anh cũng chia sẻ thêm rằng theo khảo sát của anh, có rạp mỗi ngày chỉ có 4 suất chiếu thì không thể tạo cơ hội cho khán giả xem được phim dù phim được đánh giá khá tốt. Nam đạo diễn cho biết sẽ phải tìm hiểu và làm việc với nhà phát hành.
Sự chênh lệch kể trên tạo ra một “nghĩa địa phim Việt”, nơi các nhà làm phim dùng để mô tả những bộ phim lỗ nặng vì chỉ thu về vài trăm hay vài tỷ đồng. Trong khi đó, nền điện ảnh Việt vẫn thiếu hụt những phim thu chục tỉ đồng, sinh lời vừa phải và giúp nhà sản xuất có nền tảng để phát triển.
Nguyên nhân đến từ những phim hài, hành động nhảm trước đó?
Trước nay phim Việt vốn không hiếm những bộ phim được coi là “phim rác”, thậm chí là thảm họa điện ảnh. Nội dung chứa toàn những cảnh hài nhàm và hành động sống sượng khiến khán giả cảm thấy như bị lừa sau khi mua vé xem phim. Những tác phẩm ấy vô hình trung đã bào mòn niềm tin của công chúng vào phim Việt. Vì tâm lý người xem cho rằng cứ là phim do Việt Nam sản xuất sẽ dở và nội dung nhảm nhí.
Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn (phim Dành cho tháng sáu) dù những “phim rác” đó không phải do mình làm ra nhưng chúng cũng sẽ gián tiếp “giết chết” một bộ phim tốt sau này. "Võ sinh đại chiến" chính là nạn nhân của vấn nạn trên khiến không ít người cảm thấy nuối tiếc. Phim khai thác đề tài mới lạ, tuy nhiên khán giả vẫn lựa chọn sự an toàn ở những phim đã được bảo chứng về chất lượng.
Giới làm phim đều thống nhất rằng sản xuất phim điện ảnh là một cuộc chơi mạo hiểm. Họ chỉ biết làm hết sức mình, còn số phận của bộ phim thì khó mà đoán trước được. Ngay cả đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dù sở hữu nhiều phim thắng lớn đến trăm tỷ cũng không nhận mình có một công thức chung nào.
Mặt khác ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành CJ CGV Việt Nam cho rằng sự thảm bại của nhiều tác phẩm Việt là do cách làm phim cảm tính.
Ông Hải lý giải thông thường ở các hãng phim Hollywood, trước khi sản xuất họ sẽ khảo sát về kịch bản từ khán giả ở những thị trường trọng điểm, còn ở Việt Nam, các nhà sản xuất thường chọn kịch bản theo cảm tính và kinh nghiệm cá nhân nên khi ra thành phẩm, nếu may mắn thì khán giả thích, phim thắng. Còn nếu không thì ngược lại.
Nguồn: https://congluan.vn/dien-anh-viet-hai-buc-tranh-doi-lap-ve-doanh-thu-post112676.html