Đây là một trong hai phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất trong Dự thảo Tờ trình Chính phủ về Dự án Bộ luật (Lao động sửa đổi). Theo Bộ LĐ-TB&XH, phương án này phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

3 lý do tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 với nữ, 62 với nam

Theo Dự thảo Tờ trình, Ban soạn thảo Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 60 vì các lý do sau:

Thứ nhất nhằm bảo đảm sự phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam. Việt Nam đang có quy mô, cơ cấu dân số chịu tác động của mạnh quá trình già hóa dân số, tỷ lệ số người phụ thuộc đang tăng lên (44,4% vào năm 2019); chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động ngày càng tăng. Tuổi thọ bình quân của nam là 72,1 tuổi, của nữ là 81,3 tuổi. Trung bình tuổi thọ của hai giới tính tại Việt Nam là 76,6 tuổi, trong khi đó tuổi thọ trung bình của dân số thế giới chỉ là 72 tuổi.

So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp trong khi lại có mức tuổi thọ ở tuổi 60 khá cao. Cụ thể, Việt Nam có tuổi thọ ở tuổi 60 là 22,5 năm, trong khi tuổi nghỉ hưu bình quân theo quy định chỉ là 57, tuổi nghỉ hưu bình quân trên thực tế chỉ khoảng 53,5, trong khi Malaysia có tuổi thọ ở tuổi 60 là 19,5 năm, tuổi nghỉ hưu bình quân là 60; Thái Lan có tuổi thọ ở tuổi 60 là 21 năm, tuổi nghỉ hưu bình quân là 60.

Lực lượng lao động tham gia thị trường lao động của Việt Nam trong những năm gần đây đang tăng chậm cả về số lượng và tỷ lệ. Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy cuối năm 2013 cả nước có 53 triệu lao động, cuối năm 2018 có 55 triệu lao động. Sau 5 năm chỉ tăng thêm có 2 triệu lao động, trung bình mỗi năm chỉ tăng thêm 400.000 lao động. Lực lượng lao động Việt Nam không quá dồi dào như các đánh giá thông thường và sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trong tương lai. Vì thế điều quan trọng là hoàn thành lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trước khi Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong khoảng 20 năm tới do quá trình già hóa dân số.

Thứ hai, tham khảo kinh nghiệm, thông lệ của các quốc gia trên thế giới thì tuổi nghỉ hưu của các nước trên thế giới phổ biến là trên 60 đối với nữ, trên 62 đối với nam. Thống kê của Tổ chức ILO tại 176 quốc gia cho thấy: Tuổi nghỉ hưu của nữ phổ biến từ 60-62 chiếm 37,5%; Tuổi nghỉ hưu của nam phổ biến từ 60-62 chiếm 47,2%.

Thứ ba, việc nâng tuổi nghỉ hưu lên nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi là cần thiết, tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai và hầu hết các quốc gia khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đều có một lộ trình để thu hẹp dần khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, mục tiêu chung và lâu dài là tiến tới quy định tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau. Tuy nhiên, khi điều chỉnh, nhiều nước đang có tuổi nghỉ hưu nữ thấp hơn nam đã lựa chọn không quy định tuổi nghỉ hưu bằng nhau ngay, mà có lộ trình thu hẹp dần khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa các giới nhằm tránh gây tác động tiêu cực do phải điều chỉnh quá nhiều tuổi nghỉ hưu của nữ so với nam.

2 phương án tăng tuổi hưu

Theo đó, Dự thảo đã xây dựng 2 phương án điều chỉnh tuổi hưu từ ngày 1-1-2021.

Cụ thể, phương án 1: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

tu 2021 moi nam tang 3 thang voi nam 4 thang voi nu
Tăng tuổi hưu nhằm bảo đảm sự phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Theo Dự thảo Tờ trình, Chính phủ đề xuất lựa chọn lộ trình điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu (tăng chậm) bởi trước hết là để tránh gây "sốc" cho thị trường lao động.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là quyết sách có tính chiến lược về nhân lực, có tầm nhìn dài hạn, không phải là chính sách ngắn hạn. Kinh nghiệm của các quốc gia đang điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và khuyến nghị của ILO đối với các nước điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là phải điều chỉnh dần dần để tránh gây sốc cho thị trường lao động.

Lộ trình thường thấy ở các nước là 1 năm tăng 3 tháng hoặc một số nước quy định 1 năm tăng 6 tháng, một số nước tăng theo lộ trình thận trọng hơn như 1 năm tăng 1 tháng hoặc 1 năm tăng 2 tháng. Việc điều chỉnh dần dần không chỉ cần thời gian cho người lao động và doanh nghiệp thích nghi mà còn cần cho thị trường lao động điều chỉnh. Việc tăng nhanh, đột ngột sẽ dẫn đến sự gia tăng đột ngột số người thất nghiệp, có thể gây bất ổn xã hội.

Kinh nghiệm cho thấy, một quốc gia có quy mô dân số tương đương dân số của Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động và 400 ngàn người bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên 1 tuổi/năm, có nghĩa là sẽ có 400 ngàn người tiếp tục làm việc, cho dù ở khu vực nhà nước hay khu vực doanh nghiệp mà bình thường họ sẽ nhường chỗ cho cho 400 ngàn người mới tham gia thị trường lao động, thị trường lao động sẽ bị tắc nghẽn.

Sau 2 năm, con số này sẽ là khoảng 800 ngàn người và mức độ tắc nghẽn sẽ tăng lên. Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, lực lượng lao động còn đang dồi dào nên lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chậm sẽ chỉ làm "dòng chảy" của thị trường lao động chậm lại đôi chút chứ không tắc nghẽn như phương án điều chỉnh nhanh.

Bên cạnh đó, lộ trình điều chỉnh tuổi chậm có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động và doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc lựa chọn phương án điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu nhanh có thể dẫn đến số người thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đột ngột, gây ra những vấn đề xã hội bức xúc.

Mặt khác, việc nâng tuổi nghỉ hưu nhanh cũng có thể tạo ra tâm lý không hài lòng đối với một bộ phận lớn người lao động nhất là trong các doanh nghiệp. Nâng tuổi về hưu nhanh cũng có thể tạo ra tâm lý không hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư.

Do đó, phương án điều chỉnh dần dần tuổi nghỉ hưu sẽ giúp doanh nghiệp và người lao động thích ứng dần với quy định mới, không gây sốc cho cả doanh nghiệp và người lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội.

Đánh giá về phương án có tính ưu việt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến đề xuất chọn Phương án 1. Bởi phương án 1 có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này là việc thể chế hóa yêu cầu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: "Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung".

 

Theo phapluatxahoi.vn