Năm 2020 là năm quốc tế điều dưỡng, Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam thực hiện video "Vai trò của điều dưỡng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19" để tôn vinh những người đi đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Đại dịch Covid-19 là một lời nhắc nhở về vai trò quan trọng của điều dưỡng. Không có họ, chúng ta không có những chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Những điều dưỡng, hộ sinh cũng đã những đóng góp rất lớn trong thành công này.
Hiện tỷ lệ bác sĩ, điều dưỡng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 1/4 trong khi tại nước ta hiện mới chỉ là 1 bác sĩ/1,4 điều dưỡng. Tình trạng thiếu điều dưỡng khiến họ phải làm thêm giờ. Trong khi đó, thời gian làm việc dài ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sự an toàn và cân bằng cuộc sống, công việc của người lao đông.
Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 xảy ra, nhiều cán bộ y tế đã phải làm thêm giờ. Khảo sát mới nhất của Công đoàn Y tế Việt Nam đối với 70 Công đoàn cơ sở trực thuộc trong thời gian chống dịch Covid-19 cho thấy, số giờ làm việc của nhiều cán bộ y tế gia tăng đáng kể (trung bình tăng 3,65 giờ/ngày).
Ngay trong giai đoạn chưa xảy ra dịch Covid-19, môi trường làm việc của các cán bộ y tế nói chung và của điều dưỡng, nữ hộ sinh nói riêng vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy hại đến sức khỏe.
Chị Phạm Thị Ngọc Dung, chuyên gia điều dưỡng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Nhiệm vụ của điều dưỡng là chăm sóc người bệnh, là những người tiếp xúc trực tiếp nhiều nhất bên người bệnh. Chúng tôi thực hiện công tác chăm sóc người bệnh toàn diện, từ chăm sóc về chuyên môn (như tiêm truyền, cho người bệnh uống thuốc), chăm sóc về dinh dưỡng, chăm sóc về tinh thần đến vệ sinh cá nhân cho người bệnh. Đó là những nhiệm vụ được thực hiện cho tất cả những người bệnh chứ không riêng chỉ thực hiện chăm sóc đối với người bệnh Covid-19".
Việc chăm sóc người bệnh mắc Covid-19 gây áp lực lớn đối với nhân viên y tế nói chung và cho điều dưỡng nói riêng. Đó là nguy cơ lây nhiễm bệnh nghề nghiệp rất cao, bắt buộc nhân viên y tế phải tuân thủ các quy định phòng tránh lây nhiễm. Chỉ cần lơ là một chút, các điều dưỡng có thể bị lây nhiễm ngay.
"Đây cũng là áp lực, gây căng thẳng và khó khăn cho nhân viên y tế khi thực hành chuyên môn. Có lẽ trong số tất cả các đồng nghiệp đã từng trực tiếp tham gia phòng chống dịch bệnh, đã từng phải sử dụng trang phục phòng hộ cá nhân, phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc... đặc biệt đối với nhân viên y tế chăm sóc người bệnh nặng tại khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực... thì sẽ cảm nhận và đồng cảm được với chúng tôi", điều dưỡng Dung chia sẻ.
Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam Phạm Đức Mục cho biết, tại nước ta, mạng lưới điều dưỡng và nữ hộ sinh đã được thiết lập rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Mỗi năm, trên 1,5 triệu trẻ em được sinh ra, dân số khu vực thành thị chiếm khoảng 35%, nông thôn khoảng 65%. Điều đó cho thấy, nhu cầu và vai trò rất to lớn của đội ngũ điều dưỡng và nữ hộ sinh trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc cho bà mẹ và trẻ em ngày càng cao.
Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn và thuyết phục hơn về sự đóng góp của điều dưỡng, hộ sinh - với vai trò là những chiến sĩ tuyến đầu. Họ đã vượt lên những nguy cơ của dịch bệnh, phối hợp với các thầy thuốc, thực hiện hàng loạt các hoạt động y tế như sàng lọc bệnh nhân, tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, theo dõi, chăm sóc và là chỗ dựa về tinh thần cho người bệnh Covid-19.
Sự thành công trong phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam là thành tựu chung của toàn bộ hệ thống chính trị, ngành Y tế Việt Nam, trong đó không thể không nói tới sự đóng góp to lớn và thầm lặng của đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh.
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết, WHO đang kêu gọi các nước tăng cường đầu tư vào đào tạo cho điều dưỡng và hộ sinh để tạo ra nhiều cơ hội việc làm tốt hơn. Với gần 28 triệu điều dưỡng viên toàn cầu nói chung và gần 140.000 điều dưỡng, hộ sinh của Việt Nam, chiếm gần 50% nguồn nhân lực y tế, cung cấp dịch vụ nhiều nhất, thường xuyên nhất và và liên tục nhất. Vì vậy, sẽ không có một chương trình y tế quốc gia hiệu quả nếu không phát huy tối đa tiềm năng của điều dưỡng, hộ sinh.
“Báo cáo về điều dưỡng thế giới năm 2020 của WHO cho thấy, Việt Nam cần phải tạo thêm nhiều việc phù hợp cho điều dưỡng. Tỷ lệ trung bình điều dưỡng trên một vạn dân của Việt Nam là 11.4. Con số này chưa bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình toàn cầu.
Báo cáo cũng cho thấy Việt Nam cần tăng cường đầu cư cho đào tạo điều dưỡng bởi có nhiều khả năng đến năm 2030, nguồn nhân lực điều dưỡng tại Việt Nam sẽ thiếu khoảng 40.000 - 50.000 người”, Tiến sĩ Kidong Park thông tin.