Nhiều chính sách hỗ trợ thiếu tính thực thi
Sáng 18/3, tại Vĩnh Phúc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Đối thoại “Tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp vượt qua Covid-19.
Tại buổi Đối thoại, nhiều chuyên gia đã nhận định, đại dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp cả tổng cung và tổng cầu, gia tăng rủi ro tài chính đưa kinh tế thế giới vào vòng suy giảm.
Làn sóng phá sản doanh nghiệp đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, với ước tính tỷ lệ doanh nghiệp có thể mất khả năng thanh toán sẽ tăng tới 35% trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2021.
Trung bình cứ 3 doanh nghiệp trên thế giới thì có 1 doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán. Kéo theo đó là làn sóng mất việc làm của người lao động.
Đại dịch Covid-19 cũng tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2020 ở mức thấp nhất, chưa bằng một nửa so với những năm trước. Đây cũng là năm có số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục, vượt ngưỡng 100 ngàn doanh nghiệp.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Trong hơn 10.000 doanh nghiệp được khảo sát về mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, có tới 87,2% doanh nghiệp, tương đương 8.700 doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn trăm bề.
Hầu hết, các nhóm ngành nghề đều chịu thiệt hại, nhất là ngành xuất nhập khẩu, nông sản, thủy sản,... Duy nhất, nhóm ngành y tế, dược phẩm ghi nhận được mức tăng trưởng cao.
“Các doanh nghiệp càng nhỏ, thì thiệt hại càng lớn. Bởi dòng vốn của họ không mạnh, nội lực không đủ lớn để tạo ra “vắc-xin” chống lại dịch bệnh”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Nhằm hạn chế các tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ, cùng các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hàng loạt chính sách mới, hỗ trợ các doanh nghiệp hồi phục.
Bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Vĩnh Phúc đánh giá cao các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp hưởng lợi từ chính sách còn hạn chế.
Thậm chí, có doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách, nhưng mức độ hưởng lợi rất khiêm tốn.
“Có một số doanh nghiệp phản ánh, chủ trương đến sớm, tích cực, quyết liệt, nhưng việc thực thi chính sách còn một số bất cập. Trong đó, có nguyên nhân đến từ đội ngũ công chức, viên chức thực thi chính sách có tâm lý sợ sai. Cho nên, các chính sách không tới được doanh nghiệp”, bà Thúy nói.
Trong gần 100 chính sách mới được ban hành năm ngoái, gói tín dụng vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động là khó tiếp cận nhất.
“Các điều kiện để nhận các gói hỗ trợ rất khó và chặt chẽ, rất ít doanh nghiệp đáp ứng được. Trong các văn bản sửa đổi và hướng dẫn Chính phủ chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện đảm bảo để nhận hỗ trợ. Như vậy, có thể nhận thấy, chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống”, bà Thủy khẳng định.
Doanh nghiệp kiến nghị NHNN tiếp tục hạ lãi suất thêm 2%
Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tới tốc độ hồi phục của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Do đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét việc tiếp tục giảm lãi suất thêm 1,5% - 2% cho tất cả các gói vay. Đồng thời, giảm phí đối với khách hàng là người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Vĩnh Phúc kiến nghị: Chính phủ nên xem xét giảm thuế VAT từ 8-10% trong thời hạn từ 3-5 năm nhằm tăng vốn tích lũy doanh nghiệp để tái đầu tư sau đại dịch. Và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về mức 13-15%, giảm tiền thuê đất trong 2 năm.
“Sau Tết Nguyên đán, nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng. Do đó, chúng tôi đề nghị Sở Lao động - Thương binh - Xã hội các tỉnh/thành phố có chính sách mới, để bù vào sự thâm hụt sau Tết”, bà Thủy chia sẻ thêm.
Nguồn: https://congluan.vn/doanh-nghiep-kien-nghi-ngan-hang-nha-nuoc-tiep-tuc-ha-lai-suat-them-2-post123807.html