Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế 2020, phiên thảo luận Đối sách nào cho doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh năm 2020 đã diễn ra với sự tham gia đóng góp của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp.

5 lĩnh vực kinh doanh “lên ngôi” trong năm 2020

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định: Trong năm 2020 và nhiều năm tiếp theo, cơ hội đầu tư vẫn nằm ở những ngành truyền thống của Việt Nam có lợi thế như: dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, nông sản, thủy sản; lĩnh vực tiêu dùng như bán lẻ, giải trí, giáo dục, y tế...; các lĩnh vực mới nổi như logistics, kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, công nghệ số, phát triển đô thị thông minh, bền vững; các lĩnh vực bất động sản như nhà ở, văn phòng, du lịch...

Theo ông Lộc đây là những ngành Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt không chỉ trong nước mà còn so với các nước trong khu vực và thế giới. Đồng thời khẳng định đây mới là những ngành trọng tâm cần hướng đến chứ không phải công nghệ 4.0 như xu hướng hiện nay.

Đồng quan điểm với TS. Vũ Tiến Lộc, Ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Nghiên cứu – Phát triển; Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI phân tích rõ hơn về cơ hội để các doanh nghiệp “bứt phá” trong năm tới với 5 nhóm lĩnh vực.

Lĩnh vực kinh doanh đầu tiên mà ông Linh đề cập đó là ngành hàng tiêu dùng. Ông Linh cho biết, thị trường 100 triệu dân của Việt Nam đang là thị trường vô cùng hấp dẫn và những nhà đầu tư Thái Lan đang tận dụng cơ hội đầu tư. 

“Khi chúng tôi tiếp xúc với doanh nghiệp Thái Lan sang tìm cơ hội đầu tư cổ phiếu Việt Nam thì họ thường quan tâm tới ngành hàng tiêu dùng với các doanh nghiệp như PNJ, Vinamilk… là chính. Điều đó chứng tỏ rằng tiềm năng của những ngành hàng này là rất lớn”, ông Linh dẫn chứng.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Nghiên cứu – Phát triển; 
Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI

Do vậy, những ngành tận dụng được thị trường 100 triệu dân của Việt Nam sẽ là mảng thị trường “lên ngôi” trong thời gian tới. Với 100 triệu dân này thì không chỉ lĩnh vực bán lẻ như đường sữa, mà còn cả nghệ thuật, giải trí và giáo dục đều là những ngành kinh doanh rất lớn nhưng dịch vụ và chất lượng hàng hoá còn rất nhỏ.

“Hiện nay, các chuỗi cửa hàng cà phê như nấm mọc sau mưa. Tưởng chừng như đó là cơ hội nhỏ nhặt mong manh nhưng lại là cơ hội lớn vì đã đánh trúng vào thị trường của Việt Nam. Hay như chiến lược của Viettel đó là “dùng nông thôn bao vây thành thị” bởi đây là thị trường tiềm năng nhưng lại chưa tương xứng với mức thu nhập của họ. Đó là lý do vì sao Thế Giới Di Động đã rất thành công khi tiến công về nông thôn, trong khi thị trường thành phố chỉ là duy trì mức doanh thu”, ông Linh cho hay.

Lĩnh vực thứ hai theo ông Linh sẽ là du lịch và những ngành phát triển hưởng lợi từ du lịch. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 đạt 1,8 triệu lượt khách, tăng 39% so với cùng kỳ và là mức tăng trưởng cao nhất 23 tháng. Sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc là động lực chính với mức tăng 77%, bên cạnh đó nhiều thị trường khác cũng có tăng trưởng cao như Đài Loan (37,5%), Thái Lan (42,9%)… Khi khách du lịch tăng thì các sản phẩm dịch vụ tăng. GDP của lĩnh vực lưu trú và ăn uống tăng xấp xỉ bằng GDP của cả nước.

Du lịch phát triển kéo theo nhiều ngành nghề khác liên quan bổ trợ như bất động sản, dịch vụ... tạo công ăn việc làm cho lượng lớn dân số, không chỉ phát triển kinh tế du lịch mà còn góp phần quảng bá du lịch Việt Nam với bạn bè thế giới. Đặc biệt từng bước đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

Thứ ba là ngành vận tải logistics. Lĩnh vực này rất khác so với thời điểm 2012 - 2013. Tăng trưởng của ngành kho bãi tăng qua các năm, năm sau tăng cao hơn năm trước. Có nhiều yếu tố thúc đẩy để đạt được kết quả đó nhưng phần lớn là do tăng trưởng xuất nhập khẩu trong những năm gần đây đã tạo ra lưu lượng hàng hóa giao thương lớn.

"Doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này bởi các nhà đầu tư vào logistics ở thị trường Việt Nam còn rất ít", ông Linh đánh giá.

Thứ tư là ngành xây dựng và vật liệu xây dựng. Trong 2 năm vừa qua, tốc độ giải ngân đầu tư công rất thấp. Tuy nhiên sau 2 năm tháo gỡ khó khăn thì đến năm 2020, ngành này sẽ có sự tăng trưởng cao hơn. Bên cạnh đó, dòng vốn từ tư nhân sẽ tạo ra bước đệm rất lớn cho ngành.

Thứ năm là ngành nông nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp. "Năm 2019 tăng trưởng của ngành có chậm lại. Đây là một năm "khô hạn". Nhưng thường sau 1 năm "khô hạn" thì năm sau sẽ tốt hơn, kéo theo những ngành liên quan khác cũng sẽ tích cực hơn", ông Linh nói.

3 điểm lưu ý trước khi bước vào 2020

Năm 2020 được đánh giá là năm quan trọng của kinh tế Việt Nam, không chỉ khép lại chu kỳ 5 năm 2016 - 2020 mà còn mở ra tương lai cho chu kỳ tiếp theo. Trước những định hướng rõ ràng về các lĩnh vực sẽ “lên ngôi", theo TS. Vũ Tiến Lộc thì năm tới “có thể xem là bức tranh tổng thể, bản đồ đầu tư cho các nhà kinh tế trong và ngoài nước”. 

Tuy nhiên, để sẵn sàng bước sang năm mới, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập Quốc tế về kinh tế cho rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý trong bối cảnh hiện nay.

Theo đó, năm 2020 sẽ là năm bản lề khi 13 FTA mà Việt Nam đã ký hầu hết sẽ bước vào giai đoạn thực hiện là chủ yếu. Bên cạnh đó, đoàn công tác tại thị trường Nam Mỹ đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt xúc tiến thương mại đầu tư tại thị trường này.

Hiệp định FTA Việt Nam ký với Liên minh châu Âu (EU) cũng đang có những tín hiệu tích cực. Đây là một trong hai hiệp định có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Dự kiến hiệp định này sẽ được các nước trong khối EU tiếp tục xem xét để thông qua trong năm 2020.

Ông Trịnh Minh Anh phân tích, xung đột Trung – Mỹ chưa thể kết thúc nhanh chóng mà sẽ có diễn biến bất ngờ và có thể gây ra những bất lợi cho Việt Nam trong năm tới.

Mỹ tiếp tục có những căng thẳng xung đột với các đối tác, thậm chí với cả các đồng minh. Không loại trừ việc Mỹ cũng sẽ có những hành động căng thẳng với Việt Nam nếu như Việt Nam không có các hành động tích cực để thu hẹp thâm hụt thương mại.

Hàn Quốc đang và sẽ có chính sách hướng Nam khi vừa chuyển dịch dòng đầu tư cũng như các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc xuống các nước, trong đó Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cũng như các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực và quyết tâm trong việc cải cách thể chế.

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập Quốc tế về kinh tế

Với những điểm cần lưu ý trên, ông Minh Anh cho biết, các doanh nghiệp nên chú trọng 3 cơ hội bao gồm:

Thứ nhất, khai thác tiềm năng từ các FTA có hiệu lực để tăng cường thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư trực tiếp. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ có thể “ăn theo” dòng đầu tư xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp khác và tận dụng cơ hội để trở thành một phần chuỗi cung ứng, để có thể tiếp cận được với các đối tác từ những thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc.

Thứ hai, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến vấn đề xuất xứ hàng hóa, nguồn gốc sản phẩm khi hải quan các nước cũng như các cơ quan Việt Nam đều chú ý đến vấn đề này. Các doanh nghiệp cần chứng minh với các đối tác và các thị trường quan trọng rằng Việt Nam rất nghiêm túc trong việc minh bạch nguồn gốc sản phẩm.

Cuối cùng, các doanh nghiệp Việt cần chú ý đến sự chuyển hướng thương mại và dịch chuyển dòng đầu tư trong bối cảnh xung đột thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp. Đồng thời, tăng tính chủ động khai thác cơ hội cũng như chủ động tiếp cận thông tin trên các kênh cung cấp của các bộ, ngành cũng như VCCI.

Theo Hồng Hạnh