Theo đó, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện phải công khai các nội dung sau:

Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong doanh nghiệp, tổ chức; chế độ lương, thưởng; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và các chế độ phúc lợi xã hội khác;

Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; kết quả hoạt động của tổ chức xã hội; Công tác tổ chức, bố trí nhân sự trong doanh nghiệp, tổ chức; Quy tắc ứng xử, điều lệ doanh nghiệp, tổ chức; Các nội dung khác phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật khác có liên quan.

doanh nghiep phai cong khai che do luong thuong de thuc hien cong khai minh bach
Theo Dự thảo, doanh nghiệp phải công khai chế độ lương, thưởng để thực hiện công khai, minh bạch

Ngoài các nội dung này, các tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện còn phải công khai quy chế huy động các khoản đóng góp, việc quản lý, sử dụng các khoản đóng góp để hoạt động từ thiện.

Đồng thời, công khai quyền lợi và nghĩa vụ của người đóng góp, người được hưởng lợi; mục đích huy động các khoản đóng góp để hoạt động từ thiện; đối tượng, hình thức và mức huy động các khoản đóng góp; Kết quả huy động (bao gồm danh sách các đối tượng đóng góp, tài trợ, hình thức và mức đóng góp, tài trợ của từng đối tượng; Kết quả quản lý, sử dụng các khoản huy động vào mục đích từ thiện.

Bên cạnh đó, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội nói trên còn phải thực hiện việc kiểm soát xung đột lợi ích.

Cụ thể, quy định các tình huống xung đột lợi ích, trách nhiệm thông tin, báo cáo về các tình huống xung đột lợi ích và công khai, phổ biến, tập huấn cho toàn thể người lao động, thành viên của doanh nghiệp, tổ chức; Quy định và thiết lập cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức, bao gồm việc giám sát và áp dụng các biện pháp phù hợp khác theo thẩm quyền để kiểm soát xung đột lợi ích; Có biện pháp bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động đã thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khi bị thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại; Cùng với đó, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp xung đột lợi ích dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật cần phải ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Theo phapluatxahoi.vn