Mới đây, Tổng cục Hải Quan phối hợp với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo chuyên ngành liên quan đến quản lý, gia công, sản xuất xuất khẩu hàng hóa… Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã tham gia đóng góp ý kiến về các vấn đề hợp đồng xuất khẩu. Doanh nghiệp thủy sản đóng góp ý kiến về các vấn đề hợp đồng xuất khẩu.
Theo đó, Tổng cục Hải quan phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề “Lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC liên quan đến quản lý hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất và nội dung kiểm tra thực tế hàng hoá đối với hàng phải chiếu xạ”
Ông Âu Anh Tuấn, Quyền cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2019, Tổng cục Hải quan được giao dự thảo nội dung Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC (Thông tư 38) ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu (XK), thuế nhập khẩu) NK và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38 (gọi tắt là Thông tư 39).
Thông qua Hội nghị này nhằm lấy ý kiến doanh nghiệp liên quan đến quản lý hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu (SXXK), doanh nghiệp chế xuất (DNCX) và nội dung kiểm tra thực tế hàng hoá đối với hàng phải chiếu xạ... Từ đó sớm hoàn thiện nội dung Dự thảo Thông tư sửa đổi các thông tư nêu trên nhằm giải quyết triệt để các vướng mắc của cộng đồng DN trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hoá XK, NK, quá cảnh.
Sau khi nghe đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan giới thiệu tới cộng đồng DN các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39 liên quan đến quản lý hàng hóa gia công, SXXK, DNCX như: Định mức thực tế sản xuất; thông báo cơ sở sản xuất, hợp đồng xuất khẩu; thủ tục xử lý phế thải, phế liệu, phế phẩm; nội dung xuất khẩu tại chỗ… các DN đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực.
Theo đại diện của nhiều DN, đặc trưng của DN thủy sản là mua nguyên liệu phục vụ sản xuất XK theo mùa vụ, do đó khi giá nguyên liệu xuống thì mua vào và khi mua ký kết với một đối tác khác và khi bán thành phẩm XK sẽ bán cho một đối tác khác. Do đó, theo quy định khi mở tờ khai nhập khẩu, DN phải xuất trình hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng mua bán để XK sản phẩm thì DN không thể đáp ứng được. Theo đó, DN đề nghị khi Thông tư sửa đổi sẽ tháo gỡ vướng mắc này cho DN.
Trả lời vướng mắc này của DN, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, trong quá trình thực hiện hàng gia công thì hợp đồng tương đối rõ ràng như thể hiện đầu đến đầu đi, thời gian XK… nhưng hàng SXXK cho đến hiện nay, cơ quan hải quan không có cơ sở để theo dõi quản lý.
Có trường hợp DN nhập đầu vào cứ khai báo là nhập SXXK nhưng cứ để tồn kho tại DN, thậm chí để tồn kho 2-3 năm hoặc chưa có kế hoạch sản xuất nhằm xử lý số hàng đó. Về nghĩa vụ thuế khi số hàng đó chưa thay đổi mục đích sử dụng thì cơ quan hải quan không có quyền thu số tiền thuế trên số hàng nhập khẩu SXXK đó. Dẫn đến cơ quan hải quan rất vất vả trong việc theo dõi tình hình hàng nhập tồn kho ấy của DN.
Theo đó việc phải xuất trình hợp đồng XK tại thời điểm mở tờ khai để xác định rõ là DN có thực sự nhập hàng để phục vụ SXXK hay không là một trong những tiêu chí để miễn thuế đối với hàng SXXK. Còn trong trường hợp DN không có hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng SXXK DN sẽ phải kê khai và nộp thuế và sau khi hàng hóa đó đưa vào thực tế SXXK sẽ được hoàn thuế theo Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
Đối với trường hợp DN không thể cung cấp ngay được hợp đồng XK, Cục sẽ ghi nhận ý kiến để phản ánh với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan xem xét thêm.
Trả lời vướng mắc của bà Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng Phòng XNK, Công ty TNHH Highland Dragon về thủ tục xử lý phế thải, phế liệu, phế phẩm khi bán ra nội địa phải kê khai và nộp thuế với cơ quan hải quan như thế nào theo Dự thảo nội dung Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT - BTC, ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết: Khi DN bán phế liệu, phế phẩm nguyên liệu vào nội địa sẽ áp dụng thuế VAT cho phế liệu, phế phẩm này chứ không phải áp dụng thuế VAT đầu vào của sản phẩm và việc kê khai thuế theo đúng quy định của thuế GTGT khi bán phế liệu.
Ngoài ra, tại Hội nghị, Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng đã tiếp thu, giải đáp nhiều ý kiến đóng góp của DN thủy sản liên quan đến việc sửa đổi nội dung thông báo cơ sở gia công, SXXK hàng hóa xuất khẩu, nơi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm xuất khẩu…
Theo đó, DN chỉ thông báo cơ sở sản xuất một lần và khi có sự thay đổi thông tin chỉ cần bổ sung thông tin gửi lại cho cơ quan hải quan. Việc kiểm tra cơ sở sản xuất đối với trường hợp phải kiểm tra sẽ dựa trên cơ sở đánh giá của cơ quan hải quan và theo quy định tại Điều 39 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP.