Người Hà Nhì có rất nhiều ngày cúng trong năm, nhưng lễ lớn nhất và quan trọng nhất là lễ Gạ Ma Thú (cúng bản). Lễ thường được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hằng năm để hướng về thần rừng đã bao bọc, bảo vệ bản mường. Lễ còn là dịp để cầu mong các đấng siêu nhiên phù hộ năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cho người dân mạnh khỏe, làm ăn phát triển... Đây cũng là dịp để mọi người cùng nghỉ ngơi, vui chơi giải trí khởi đầu cho một năm mới lao động hiệu quả.

Hiện nay, lễ Gạ Ma Thú là lễ đã được phục dựng so với nguyên bản nhưng vẫn đầy đủ gồm 3 phần lễ chính là: Cúng trong rừng, cúng trong bản và hoạt động vui chơi của người dân, tương ứng với 3 ngày theo đúng lịch của người Hà Nhì. Mọi sinh hoạt tín ngưỡng và vui chơi được điều hành bởi thầy cúng và trưởng bản và điều đặc biệt nhất trong ba ngày cúng bản nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Trong 3 ngày diễn ra lễ Gạ Ma Thú, người dân bản sẽ tự ý thức bảo nhau không đi nương rẫy, đoàn kết, vui vẻ, không ăn thịt thú rừng, không bắt hoặc mang vào bản các con vật sống trong hang, lòng đất để tránh rủi ro. Các thầy cúng trong những ngày này phải giữ cơ thể sạch sẽ để thực hiện các nghi lễ.

Một trong những công việc đầu tiên của lễ hội là tiến hành dựng cổng bản. Việc này do những thanh niên trai tráng khỏe mạnh thực hiện. Hai bên cổng, có hai cây gạo được trồng trong 2 sọt đất nhỏ nhằm tượng trưng cho 2 bồ thóc của bản. Bên cạnh 2 cây gạo, người Hà Nhì treo 1 dây xích lớn được đan từ vỏ cây Ò Mé - loại cây kỵ ma, dao, súng, nỏ, sáo và ống điếu được đẽo bằng gỗ.

Người dân bản chuẩn bị đồ cúng

Ngày đầu tiên là lễ cúng rừng cấm. Theo quan niệm của người Hà Nhì, mỗi khoảng rừng, mỗi ngọn núi, mỗi xóm bản đều có một vị thần cai quản. Thần rừng là vị thần quan trọng, không chỉ giúp che chở cho bản làng mà còn cung cấp thức ăn cho mọi người. Chính vì vậy, theo phong tục lễ cúng này chỉ được tập trung những trai bản khỏe mạnh, những thợ săn điêu luyện, họ tự mang lợn, gà, nếp thơm mang lên làm lễ vật báo cáo và trả ơn thần trong năm qua đã cho bà con no ấm. Sau khi cúng xong, mọi người sẽ tổ chức ăn uống chúc tụng nhau đi săn thuận lợi, không gặp nguy nan, nhà nào cũng có thịt sấy treo đầy trên gác bếp.

Mang lễ vật đi cúng thần nước

Ngày thứ hai tiến hành lễ cúng bản. Trong lễ cúng này, các gia đình chuẩn bị lễ vật của mình, đàn ông chuẩn bị lợn, gà, đan giỏ đựng trứng; phụ nữ chuẩn bị gạo, trứng gà nhuộm đỏ, xôi nhuộm vàng... Buổi chiều, các gia đình mang lễ vật tượng trưng cho những vật dụng trong sinh hoạt, lao động sản xuất hàng ngày và thể hiện một cuộc sống thanh bình sung túc, vật phẩm phong phú của dân bản để làm 8 mâm cúng, thực hiện các nghi thức: Cúng đầu bản (cúng chính), cúng thần nước (phía Tây), cúng thần rừng (phía Đông), cúng thần gió (phía Bắc), cúng thần đất (phía Nam), cúng vong linh, cúng cuối bản (cúng chính).

Sau lễ cúng, người Hà Nhì còn có tục xem gan lợn để dự báo điều tốt, xấu…

Khi mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất, các mâm lễ cúng đầy ắp gà, rượu, thịt, hoa quả với màu sắc rực rỡ được bày biện giữa sân rộng nằm giữa bản văn hóa A Pha Chải thì tiếng chiêng, tiếng trống cũng nổi lên, vang vọng khắp nơi. Từ các nẻo đường, bà con dân tộc Hà Nhì mặc trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, kéo về sân chung vui chơi. Họ cùng hò reo, hát, múa xung quanh những mâm cỗ trong khi thầy cúng làm nhiệm vụ cúng tạ tổ tiên. Du khách đến chứng kiến lễ Gạ Ma Thú cũng sẽ được người trong bản mời vào tham gia cùng. Theo quan niệm của Hà Nhì, phần cúng bản có sự tham gia của nhiều người thì càng vui và may mắn.

Sau lễ cúng thần rừng, thầy cúng và đàn ông trong bản ngồi luôn tại suối ăn uống, chúc tụng

Cả bản đều tham gia để cầu mong bản làng bình yên, nuôi trồng thuận lợi, mùa màng bội thu. Theo quan niệm xa xưa, nhà nào có nhiều khách, hết rượu thì sẽ may mắn. Sau bữa ăn mọi người lấy cơm nếp vo tròn ném vào nhau với ý nguyện mùa sau thóc gạo sẽ dư thùa.

Ngày cuối cùng, từng nhà trong bản sẽ chuẩn bị cơm nếp, bánh ngô… để đón tiếp mọi người tới chơi. Ngoài ra, trong những ngày lễ Gạ Ma Thú, bà con trong bản mặc quần áo xúng xính, sặc sỡ đi chơi đánh đu, bập bênh, đu quay, ném còn, đánh cù, hát, múa...

Những người phụ nữ Hà Nhì trong trang phục truyền thống ngồi thêu những vật dụng để dùng trong ngày lễ Gạ Ma Thú

Ông Pờ Hùng Sang, Bí thư huyện đoàn Mường Nhé cho biết: “Lễ Gạ Ma Thú là một nghi lễ tốt đẹp của người dân nơi đây, nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, chuẩn bị vào vụ mùa. Đồng thời để tỏ lòng biết ơn với thần rừng đã luôn che chở, bảo vệ dân bản. Nó cũng nhắc nhở, răn dạy con cháu biết ơn, tôn kính các vị thần, tổ tiên... có công khai phá, bảo vệ bản mường. Chính vì thế Lễ Gạ Ma Thú đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời, giúp kết nối cộng đồng, tăng cường khối đoàn kết dân tộc”.

Đầu năm 2019, Gạ Ma Thú đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo Hồng Phong/Đô thị mới