Những nét văn hóa của các dân tộc thiểu số Hà Giang được hội tụ thông qua những “phiên chợ” độc đáo nằm giữa thung lũng bốn bề núi non, đã hình thành hàng từ năm trăm trước. Nay, những nét văn hóa đẹp và đặc trưng đó vẫn được con người nơi đây lưu giữ nguyên vẹn…

Tiềm năng giữa thung lũng Mèo Vạc…

Mèo Vạc là một huyện vùng cao núi đá cực bắc của tỉnh Hà Giang, thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, địa đầu phía bắc của Tổ quốc. Phía bắc và đông bắc của huyện giáp với Trung Quốc; phía tây và tây bắc giáp huyện Đồng Văn (Hà Giang); phía đông giáp với huyện Bảo Lạc (Cao Bằng); phía Tây và phía nam giáp với huyện Yên Minh (Hà Giang). Và đây cũng là huyện có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc.

Empty

Một góc chợ phiên tại Mèo Vạc - Đồng Văn.

Người dân ở đây chủ yếu sống bằng lao động nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế. Là huyện nằm trong chương trình 30a, dân cư sống rải rác trên các sườn núi hoặc các thung lũng, quần tụ theo dân tộc, dòng họ, phân bố không đồng đều, sống thưa thớt ở các vùng cao và vùng sâu.

Dân số trên 83.000 người, với 17 dân tộc anh em cùng sinh sống hơn 90% là dân tộc thiểu số trong đó dân tộc Mông chiếm 78% còn lại là các dân tộc khác. Có nhiều phong tục tập quán, văn hoá truyền thống và những lễ hội đặc sắc như: Chợ tình Khâu Vai, các làn điệu dân ca, múa hát truyền thống của dân tộc Lô Lô, người Mông, Dao…Với những cảnh quan thiên nhiên độc đáo được “mẹ thiên nhiên ưu ái” như dãy núi đá tai mèo, đỉnh Mã Pì Lèng hùng vĩ….đây cũng là nơi rất thu hút du khách tham quan và nghiên cứu các bản sắc văn hoá dân tộc. Cùng với đó là nơi lưu giữ những dấu ấn về lịch sử phát triển của vỏ trái đất qua nhiều loại di sản địa chất từ hơn 500 triệu năm về trước.

Là huyện với nền văn hoá lâu đời, có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống và nhiều phong tục tập quán, văn hoá truyền thống và những lễ hội sinh động như: Hội chơi “Vỗ Mông”, Lễ hội Gầu Tào, ngày hội văn hóa dân tộc Mông; Lễ hội Cầu Mưa, cầu mùa của dân tộc Lô Lô, Hội múa trống của dân tộc Giấy, Hội Lồng tồng của dân tộc Tày và nhiều lễ hội tín ngưỡng độc đáo khác.

Nhưng nổi bật và độc đáo nhất là Chợ tình Khâu Vai, một lễ hội đặc trưng và độc đáo nhất ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Khâu Vai, nơi kết tinh những mối tình đôi lứa, đến với chợ là để được kết duyên, trao gửi những tình cảm đẹp nhất giữa người con trai và người con gái.

Đến với Mèo Vạc, du khách còn được tiếp cận với các giá trị văn hoá truyền thống đặc trưng của từng dân tộc, như các làn điệu dân ca, múa hát dân gian của các dân tộc, kiến trúc nhà cửa, trang phục dân tộc, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tri thức dân gian... Ngoài ra còn có các làng văn hoá du lịch cộng đồng của 5 dân tộc: Tày, Mông, Dao, LôLô, Giấy. Phát triển làng nghề truyền thống, Làng thêu thổ cẩm và trang phục Lô Lô Tại xóm Sảng Pả A, may áo tả pủ, chế tác khèn Mông, rèn đúc công cụ sản xuấtthủ công (lưỡi cày, dao, búa, rìu, liềm..)

Bên cạnh đó còn có một nét sinh hoạt văn hoá độc đáo và không thể thiếu ở Mèo Vạc đó là các chợ phiên. Chợ phiên không chỉ là nơi trao đổi hàng hoá, phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu văn hoá của đồng bào các dân tộc.

Đến hẹn lại lên

“Đến hẹn lại lên” là câu nói dường như đã gắn liền với nét sống sinh hoạt quen thuộc của con người nơi đây, bởi chợ phiên Mèo Vạc chỉ họp một tuần một lần vào ngày chủ nhật, và như một “bản năng”, từ sáng sớm, các chàng trai, cô gái Mông, Dao, Giáy, Nùng, Lô Lô trong trang phục truyền thống, nhiều màu sắc cùng nhau tụ họp xuống chợ...

Empty

Nhóm thiếu niên vùng cao trao đổi, mua bán gà tại chợ.

Mặc dù phải đi bộ một quãng đường dài, nhưng khuôn mặt ai đều hân hoan, háo hức… đổ về đây. Ấn tượng đầu tiên với ở chợ phiên Mèo Vạc đó là nơi tập trung khách tứ xứ, ở nhiều vùng miền, tất cả tạo nên một bức tranh với nhiều màu sắc của váy áo xúng xính, của những gian hàng đặc trưng.

Đến chợ phiên Mèo Vạc, người ta có thể mua nhiều hàng hóa từ ngô, gạo, củ quả đến những đồ gia dụng, hay có thể mua ngựa, trâu, bò, dê, gà, heo… Mỗi mặt hàng sẽ được tập trung ở một khu riêng biệt, ai muốn mua sẽ rất dễ tìm.

Điều quan trọng nhất là, những sản phẩm được bày bán ở chợ phiên này đều do tự tay người dân ở đây làm ra. Nên một mớ rau dại, một bắp ngô hay thịt, cá đều rất sạch và không có chất hóa học độc hại nào. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho du khách thập phương, cũng như du khách nước ngoài thích thú mỗi khi đến với phiên chợ này.

Một nét độc đáo khác mà riêng chợ phiên Mèo Vạc có được, đó chính là nơi đây không chỉ để mua bán, trao đổi mà còn là nơi gặp gỡ, chuyện trò. Đi chợ với nhiều người dân nơi đây còn là đi chơi, đi uống rượu, ăn thật no mới về. Và hình ảnh bát thắng cố, chén rượu ngô, rít điếu thuốc lào là điều không thể thiếu ở phiên chợ vùng cao này. Và cũng chính vì điều này đã tạo nên một không gian chợ phiên với tiếng nói cười rộn rã, rồi thánh thót tiếng khèn, đàn môi làm bao người ngất ngây chẳng muốn về.

Trải nghiệm chợ đêm Mèo Vạc

Ở Mèo Vạc hiện nay, không chỉ có những phiên chợ họp vào ngày chủ nhật mỗi tuần, mà còn có cả chợ họp vào ban đêm, hoạt động này được duy trì tổ chức vào các tối thứ 7 hàng tuần, nhằm phục vụ người dân và khách du lịch có thể trải nghiệm thực tế vào các hoạt động văn hóa của người dân nơi đây, tất cả được hội tụ tại chợ đêm như: các hoạt động giao lưu văn nghệ dân gian, các món ăn truyền thống, những gian hàng trưng bày, giới thiệu các mặt hàng thủ công, đồ lưu niệm...

Tại đây, vào tối thứ 7 hàng tuần sẽ tổ chức các hoạt động như “Liên hoan dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc huyện Mèo Vạc” gồm có 18 đoàn sẽ tham gia hoạt động này, các nghệ sỹ họ là những con người đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Empty

Một Cụ già ngồi bán nhiều mặt hàng tại chợ.

Mỗi tối thứ 7 hàng tuần, sẽ có 3-4 Đoàn trình diễn những làn điệu dân ca, hát đối giao duyên, múa dân vũ và biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc đặc trưng các dân tộc tại khu vực chợ đêm của huyện để phục vụ công chúng.

Sau 8 tuần diễn ra sôi nổi, Ban tổ chức sẽ tuyển chọn ra những tiết mục đặc sắc tham gia công diễn tại lễ trao giải; đồng thời tiến hành trao các giải A, B, C và khuyến khích cho các tập thể, cá nhân ở từng nội dung thi.

Đây cũng là nơi tạo cơ hội cho các nghệ nhân, các diễn viên quần chúng có cơ hội thể hiện niềm đam mê yêu nghệ thuật dân gian của mình, cũng là nơi nuôi dưỡng ước mơ cho các bạn trẻ, các em học sinh kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống của ông cha; là cơ hội để giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn đến với du khách thập phương.

Các hoạt động tương tự cũng được tổ chức tại trung tâm huyện và các xã như: Sơn Vĩ, Niêm Sơn, Khâu Vai, Lũng Pù để thuận lợi cho nhân dân trao đổi hàng hóa và phục vụ khách du lịch đên tham quan trải nghiệm tại chợ phiên vùng cao.

Chính vì những nét đẹp độc đáo này được gìn giữ qua nhiều thế hệ, để rồi hôm nay biết bao lữ khách đến với Hà Giang đều có trung tâm trạng “thương nhớ phiên chợ” mỗi khi nhắc lại phiên chợ đặc biệt này.

Theo Giadinhvietnam.com