Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục đe dọa nền kinh tế toàn cầu, tại Hà Nội ngày càng có nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Thời gian qua, các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực đề ra những giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng người lao động vượt qua khó khăn.

Thông tin về những giải pháp gỡ khó tại cơ sở, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty May 10 Trần Quý Dân cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời điểm này, nhiều người lao động làm việc tại các đơn vị trực thuộc tổng công ty như: Trường Cao đẳng nghề Long Biên, trường mầm non, khách sạn phải tạm thời nghỉ việc. Để bảo đảm chế độ cho người lao động, Công đoàn tổng công ty đã tham mưu với ban giám đốc đưa ra hai giải pháp. Đối với lao động nghỉ việc sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng. Trường hợp có nguyện vọng tham gia sản xuất, tổng công ty sẽ bố trí việc làm phù hợp tại các xưởng. Hiện có 30-40% người lao động có nhu cầu sắp xếp việc làm, đã được bố trí vào làm một số công đoạn đơn giản của xưởng may khẩu trang như: Cắt, đóng túi khẩu trang…

Theo bà Trần Quý Dân, việc thêm người vào dây chuyền sản xuất khiến thu nhập của người lao động đang làm việc tại xưởng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Công đoàn và lãnh đạo tổng công ty đã tuyên truyền về tình hình thực tế, chính sách của doanh nghiệp, mong mọi nhân viên đều đồng lòng chia sẻ khó khăn trong thời điểm này.

Còn tại Công ty Yamaha Motor Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Công ty Yamaha Motor Việt Nam Đinh Quang Dương cho biết, triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 1 đến 15-4, có hơn 5.000 công nhân tạm thời nghỉ việc, lãnh đạo công ty cùng tổ chức công đoàn đã thống nhất hỗ trợ người lao động 70% mức lương cơ bản trong thời gian nghỉ việc.

Anh Nguyễn Hải Phúc, nhân viên Công ty Yamaha Motor Việt Nam chia sẻ, việc dừng sản xuất nhiều bộ phận vào thời điểm hiện nay là kịp thời, nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động. Đặc biệt, ngoài tiền lương công việc được nhận, lãnh đạo và Công đoàn Công ty Yamaha Motor Việt Nam còn hỗ trợ mỗi cán bộ, công nhân trong công ty 500.000 đồng qua tài khoản ngân hàng...

Không chỉ công đoàn cơ sở chủ động, tích cực hỗ trợ người lao động, Liên đoàn Lao động các quận, huyện: Cầu Giấy, Đan Phượng, Chương Mỹ, Đông Anh, Gia Lâm… cũng có nhiều hoạt động thiết thực. Gần đây nhất, Liên đoàn Lao động huyện Đan Phượng đã phát 4.500 chiếc khẩu trang và 1.200 chai nước sát khuẩn cho đoàn viên, công nhân lao động đang ở lại làm việc tại Công ty TNHH D-Code, Công ty cổ phần Việt An, Công ty cổ phần Công nghiệp Bảo Minh Châu, Công ty TNHH Dệt may Topmode, Công ty cổ phần Nhựa Nhiệt Đới…

Chung tay hỗ trợ người lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cũng yêu cầu miễn, giảm, tạm hoãn thu đoàn phí, kinh phí công đoàn; tham gia đóng góp cùng người sử dụng lao động mua thiết bị, vật tư, trang bị y tế… bằng nguồn tài chính công đoàn đã thực hiện. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến việc làm, đời sống của công nhân, viên chức lao động và tổ chức công đoàn.

Quá trình triển khai, xây dựng kênh trao đổi thông tin thường xuyên, hằng ngày giữa bộ phận thường trực Tổ công tác với cán bộ ban chính sách - pháp luật, tuyên giáo, công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, hệ thống cộng tác viên dư luận xã hội của các địa phương, đơn vị để kịp thời hỗ trợ, chỉ đạo khi có vướng mắc. Trên cơ sở đó, cơ quan này sẽ có thêm kiến nghị về chính sách, giải pháp hỗ trợ và chủ động giải quyết các vấn đề liên quan đến tổ chức công đoàn theo thẩm quyền trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19; bảo vệ quyền lợi của công nhân, viên chức lao động, nhất là đối với người lao động phải chuyển đổi việc làm, nghỉ việc để cách ly.

Theo Hà Nội Mới