Đến nay, huyện đã khảo sát, đánh giá được 54 sản phẩm, trong đó có 30 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và xếp loại từ năm 2019. Trong năm 2020, huyện đăng ký 24 sản phẩm OCOP, tăng 16 sản phẩm so với kế hoạch đề ra.
Nhiều tiềm năng nguồn sản phẩm OCOP
Mỗi xã một sản phẩm OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP, thời gian qua, huyện Chương Mỹ đã tập trung cao độ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình theo tinh thần Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 và Quyết định số 3629/QĐ-UBND ngày 8/7/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2020.
Theo đó, Ban chỉ đạo Chương trình OCOP huyện Chương Mỹ đã ban hành Kế hoạch số 288/KH-BCĐ triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020. Cụ thể, huyện đề ra phương án kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP đồng bộ từ cấp huyện đến cấp xã. Rà soát, đánh giá các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp của huyện để xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm tiêu biểu của huyện, làm nền tảng xây dựng các sản phẩm OCOP của huyện.
Cùng với đó, huyện Chương Mỹ cũng đẩy mạnh quan tâm, chỉ đạo công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng của huyện, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện; Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện; Phấn đấu có sản phẩm nông nghiệp được xếp hạng 5 sao theo Chương trình OCOP; Xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội. Đặc biệt, huyện đang đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Số liệu thống kê từ Ban chỉ đạo Chương trình OCOP huyện Chương Mỹ cho thấy, trong năm 2019, toàn huyện có 30 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và xếp loại. Trong năm 2020, huyện đăng kí 24 sản phẩm OCOP, tăng 16 sản phẩm so với kế hoạch đề ra.
Các sản phẩm được đánh giá của huyện Chương Mỹ bao gồm: Trứng gà Tiên Viên của Công ty Cổ phần Tiên Viên; Bưởi Diễn Nam Phương Tiến của Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phương Tiến; Các loại rau của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn; Sản phẩm mây, tre, giang đan của Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn... Kết quả đánh giá của Tổ tư vấn là cơ sở để Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Hà Nội đến năm 2020 chứng nhận "Sản phẩm OCOP cấp thành phố", cấp sao cho các sản phẩm của huyện Chương Mỹ.
Sở dĩ, Chương Mỹ có lợi thế để phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là do địa phương có nhiều làng nghề và vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Cụ thể, toàn huyện 36 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận; 74 hợp tác xã, trong đó hợp tác xã hoạt động hiệu quả là 60 hợp tác xã (hoạt động tốt 5 hợp tác xã, hoạt động khá 55 hợp tác xã).
Toàn huyện cũng có 611 trang trại chăn nuôi, gieo trồng; 6 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; 6 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, Chương Mỹ đã có 134 sản phẩm đã cấp mã truy xuất (QRCode).
Tập trung thực hiện các mục tiêu quan trọng
Xác định OCOP là chương trình quan trọng nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, Ban chỉ đạo Chương trình OCOP huyện Chương Mỹ đã ban hành các kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2020.
Theo đó, huyện sẽ kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP đồng bộ từ cấp huyện đến xã;
Rà soát, đánh giá các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp của huyện để xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm tiêu biểu của huyện; Làm nền tảng xây dựng các sản phẩm OCOP của huyện.
Chương Mỹ phấn đấu 100% cán bộ quản lý Chương trình OCOP cấp huyện và cấp xã được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý, điều hành triển khai trực tiếp; 100% các nhà quản lý của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký sản xuất kinh doanh thực hiện Chương trình OCOP được đào tạo tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh; Đồng thời, phát triển, nâng cấp, hoàn thiện từ 10 đến 15 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp thành phố trở lên.
Để thực hiện các mục tiêu trên, huyện Chương Mỹ tập trung tuyên truyền chương trình, chu trình OCOP và nội dung thực hiện OCOP huyện. Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh rà soát, đánh giá thực trạng sản phẩm truyền thống, có tiềm năng, thế mạnh của huyện và hướng dẫn thực hiện chu trình OCOP.
Cùng với đó, huyện cũng củng cố, phát triển sản phẩm OCOP và các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình; Hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP huyện. Dự toán kinh phí triển khai thực hiện Chương trình OCOP huyện năm 2020 trên 3,9 tỷ đồng.
Nhận định về tiềm năng phát triển Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho biết: Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có 305 làng nghề đã được công nhận làng nghề truyền thống, chiếm khoảng 60% tổng số làng nghề của cả nước. Các làng nghề đa dạng loại hình và phong phú về sản phẩm, được phát triển theo nhiều nhóm nghề khác nhau như: Chế biến lâm sản, nông sản, sơn mài, khảm trai, mây tre, giang đan, thêu ren, cơ khí, kim khí, điêu khắc, may mặc, sinh vật cảnh...
Trong đó, có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn liền với văn hóa nông thôn được lưu giữ gần như nguyên vẹn và phát triển thành nghề trong cộng đồng dân cư như: Sản xuất đồ gỗ ở xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất), xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức); Các sản phẩm mỹ nghệ làm từ mây, tre ở thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), nghề gốm sứ ở xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm)...
Hiện Hà Nội có khoảng 7.200 sản phẩm, tương thích với 6 nhóm ngành hàng Chương trình OCOP, bao gồm: 2.881 sản phẩm thực phẩm (39,9%); 2.417 sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí (33,5%); 1.396 sản phẩm vải và may mặc (19,3%)...
Để thực hiện tốt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, mới đây Hà Nội đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới thành phố xây dựng Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm của Hà Nội. Mục tiêu của chương trình này là tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% sản phẩm làng nghề, nông nghiệp hiện có; Đồng thời củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp, triển khai thực hiện từ 10 đến 20 làng văn hóa, làng nghề du lịch...
Trang thông tin có sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội