Như đã phản ánh ở bài trước về hàng loạt sai phạm ở dự án khu dân cư số 1 Tây Nam thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều khách hàng bức xúc vì bị lừa ở dự án dân cư số 1 Tây Nam thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu do công ty Cổ phần Phát triển nhà Ô Cấp là chủ đầu tư.

Sau khi “cứu” Ô Cấp, mua lại số sổ đỏ ông Hoàng Huy Hiển đã cầm cố trong ngân hàng, nhóm Thu Hà – Minh Phương gần như thao túng toàn bộ dự án. Từ đây, có thêm những “nhà đầu tư” khác cũng nhảy vào xí phần, rao bán nền dự án số 1 Tây Nam với tư cách chủ dự án.

Sai từ "trong trứng"

Nằm ngay cửa ngõ TP.Bà Rịa đi khu du lịch Long Hải, Khu dân cư số 1 Tây Nam được xem là dự án trọng điểm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mở ra nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch cho tỉnh này. Nhưng, có vẻ như tỉnh này đã giao “nhầm” dự án cho một doanh nghiệp thiếu cả năng lực chuyên môn lẫn tiềm lực kinh tế.

Một góc dự án Khu dân cư số 1 Tây Nam.

Một góc dự án khu dân cư số 1 Tây Nam.

Đặc biệt, ngay từ khi bắt đầu thực hiện, công ty Ô Cấp đã làm không đúng phê duyệt ban đầu. Cụ thể, thep nội dung phê duyệt dự án của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khu dân cư số 1 Tây Nam có diện tích khoảng 39ha, ngoài các công trình công cộng như đường giao thông, khu thể thao, công viên cây xanh, các hạng mục chính còn lại gồm nhà liền kề, biệt thự đơn lập, song lập, cao ốc văn phòng, khách sạn, chung cư dịch vụ, và đất khu dân cư tự chỉnh trang. Như vậy, trong dự án được phê duyệt, không có hạng mục đất nền. Vậy nhưng, công ty Ô Cấp đã phân lô, thực hiện tới 1.200 nền đất. Tính đến nay, chủ đầu tư đã ký hợp đồng bán (góp vốn) hơn 950 nền, người dân sau khi ký hợp đồng, phải nộp từ 50 đến 90% giá trị nền đất, nhiều người đã đóng đủ 100%.

Những hộ dân đã góp vốn mua nền đất cho biết, ban đầu không ai biết việc ông Hiển mang hết sổ đỏ của họ đi cầm ngân hàng. Đến khi thấy nhiều người đến xem đất, rồi có người đến mua nền đất đã có chủ, mọi chuyện mới vỡ lở. “Tôi chờ đợi mấy năm trời, sốt ruột lắm, gọi cho ông Hiển liên tục. Lần nào gọi ổng cũng nói dự án tiến triển tốt lắm, chú đang làm, sẽ giao sổ cho cháu và mọi người sớm thôi. Giá như ổng nói với chúng tôi, thì sự việc chắc không đến mức trầm trọng thế này. Bây giờ, nếu ông Hiển chấp nhận, chúng tôi sẵn sàng bỏ thêm mỗi hợp đồng 100 triệu, đủ cho ổng chuộc sổ ra, trả lại tiền cho bên Thu Hà và trả hết nợ ngân hàng. Nhưng chúng tôi không không tin ông Hiển nữa, nên phải có bên thứ 3 giám sát việc đóng tiền này”, chị Nguyễn Thị Thanh Thuý nói.

Nói về tình trạng công ty Ô Cấp hiện nay, anh Ngô Văn Biên, nguyên kế toán trưởng công ty Ô Cấp cho biết: “Hiện tại, ông Hiển chỉ còn tài sản “ảo” là tờ giấy phép kinh doanh đứng tên ông. Các tài sản hiện hữu như quyền điều hành, con dấu công ty, ông đã giao cho bà Tăng Kim Huệ (một trong số những người cùng nhóm Thu Hà – Minh Phương góp tiền mua nợ xấu cho Ô Cấp) sau khi bổ nhiệm bà này chức danh Phó TGĐ công ty Ô Cấp. Đồng thời, ông Hiển đã làm giấy uỷ quyền cho bà Huệ thay ông giải quyết mọi việc của Ô cấp, hay nói cách khác là giao quyền điều hành công ty cho bà Huệ. Còn tài sản lớn nhất là dự án, hiện do nhóm Thu Hà – Minh Phương thâu tóm và tự quyết”.

Chủ thực sự của dự án số 1 Tây Nam là ai?

Trong vai người mua đất dự án Khu dân cư số 1 Tây Nam, tôi liên lạc với công ty Địa ốc Hiệp Thành, ở Bình Dương, người phụ nữ tiếp tôi giới thiệu tên Hương, kế toán công ty. Tôi hỏi: “Đất dự án Khu dân cư số 1 Tây Nam giá bao nhiêu tiền 1m2?”. Cô Hương đáp: “Phía ngoài mặt tiền giáp tỉnh lộ 44 đi Long Hải giá 17 triệu/m2, phía trong tuỳ vị trí, đường 12 mét giá 7,2 triệu, đường 25 mét giá 8,7 triệu đồng/m2”. Tôi hỏi tiếp: “Toàn bộ các nền trong dự án công ty có bán được không?”, “Dạ được anh”. “Cơ sở pháp lý của Hiệp Thành thế nào? Có phải chủ dự án không?”, “Dạ không, bên em chỉ được công ty Thu Hà – Minh Phương uỷ quyền lại”.

a

Lo sợ nền của mình bị bán cho người khác, nhiều người xây bờ bao, viết chữ, ghi số điện thoại...

Sau khi tôi tỏ vẻ lo ngại về tình trạng tranh chấp thời gian gần đây, cô Hương trấn an: “Anh yên tâm đi, mấy vụ tranh chấp đó tụi em giải quyết xong hết rồi”. Tôi hỏi: “Giải quyết bằng cách nào?”. Cô đáp: “Thì tụi em họp dân, ai muốn nhận tiền lại thì nhận, còn ai muốn giữ đất lại thì đóng tiền tiếp, bên Thu Hà chịu trách nhiệm ra sổ. Tụi em hỗ trợ bên Ô Cấp 120 tỷ mà”(?).

Khi tôi thắc mắc về những trường hợp công ty Hiệp Thành bán nền đã có chủ từ lâu cho khách mới, cô Hương phân trần: “Tụi em chỉ lấy những nền chưa có sổ thôi, và không bao giờ bán những nền đã có sổ. Vụ mua bán chồng sổ này là do nhân viên IT bên em họ nhầm. Do tụi em sắp xếp lại số thứ tự các lô, nền, nên có số trùng nhau, dẫn đến nhầm lẫn vậy thôi chứ không cố tình bán. Những lô nào dính, tụi em bỏ ra hết, không bán. Hồi trước không biết bên Ô Cấp làm thế nào, nhưng riêng bên em, đảm bảo với anh 100% mọi thứ rõ ràng. Nếu anh tin tưởng thì mời anh xuống công ty, tụi em sẽ cho anh xem hồ sơ liên quan”. “Tôi hỏi tiếp: “Những lô dính không bán thì còn bao nhiêu đâu?”, cô Hương nói tiếp: “Tụi em lấy khoảng 500 lô thôi à, dự án lớn lắm, tới mấy ngàn lận mà”.

Khi chúng tôi hỏi về công ty địa ốc Hiệp Thành, ông Hoàng Huy Hiển khẳng định: “Tôi không biết Hiệp Thành là ai. Nó lừa đảo đấy. Tôi đã 2 lần gừi đơn đến công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tố cáo nó rồi”. Đồng thời, ông Hiển cũng khẳng định công ty Ô Cấp không lừa đảo. Ông cho biết, tính đến nay, công ty đã đầu tư vào dự án 320 tỉ đồng, bao gồm tiền góp vốn của 953 khách hàng, tiền của các cổ đông trong công ty và tiền vay ngân hàng. Còn việc công ty bên bờ vực phá sản là do vướng mắc trong việc thu hồi hơn 5,7ha đất dự án mà công ty đã đền bù 100%. Công ty đã từng có nhiều văn bản kiến nghị chính quyền địa phương giải quyết sớm để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho nhà nước nhưng không được. Do dự án có nhiều năm bị ngưng trệ, thu nhập không có nên số tiền nợ ngân hàng cả gốc và lãi của công ty lên đến 130 tỉ đồng, không còn khả năng chi trả nên không thể tiếp tục tách sổ đỏ cho những cổ đông khác. Vì thế, chúng tôi phải liên kết với công ty Thu Hà để có tiền chuộc lại số GCNQSD đất mà công ty đã cầm cố ngân hàng. Hiện nay, phía Thu Hà – Minh Phương vẫn đang tiến hành các bước của dự án mà công ty Ô Cấp đã làm trước giờ.

Ngày 15/11, tại buổi tiếp xúc với các hộ dân góp vốn mua nền dự án, ông Hiển chính thức thông báo đã sang nhượng lại Dự án khu dân cư số 1 Tây Nam cho Công ty Thu Hà do bà Nguyễn Thị Thu Hà làm Giám đốc. Đồng thời thông báo, nếu khách hàng nào muốn lấy lại tiền đã góp vốn thì công ty Thu Hà sẽ trả lại số tiền gốc và không tính lãi, chia làm 3 đợt chi trả.

Tuy nhiên, đại đa số người dân yêu cầu chủ đầu tư giao GCNQSD đất theo hợp đồng và không chấp nhận phương án công ty Thu Hà đưa ra. “Đất chúng tôi mua bao năm nay, giá đất tăng gấp 10 lần, mà họ bảo trả lại tiền gốc, như vậy có khác nào lừa đảo. Chúng tôi đã gửi đơn tố cáo đi khắp nơi rồi, gửi cả đơn kiện công ty Ô Cấp ra toà nữa. Đồng thời, gửi đơn yêu cầu UBND huyện Long Điền không chứng nhận bất cứ hợp đồng chuyển nhượng nền đất nào ở Dự án khu dân cư số 1 Tây Nam này cho đến khi có kết luận của cơ quan công an, có bản án của tòa án”, ông Phạm Văn Giang, ở P.Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu nói.

“Theo quan điểm cá nhân, việc ông Hiển mang GCNQSD đất của người góp vốn đi thế chấp ngân hàng là dấu hiệu “Lợi dụng tín nhiệm”, còn sang nhượng lại dự án cho người khác trong khi dự án ấy liên quan đến tài sản của nhiều người, là có dấu hiệu của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời, giao dịch sang nhượng dự án giữa ông Hiển với công ty Thu Hà là trái pháp luật”, luật sư Phan Thị Hồng, Đoàn luật sư TP.HCM.

 

Theo Phúc Lập/Đô Thị Mới, Nông nghiệp