Gần đây, trên cả nước, tình trạng nhà cao tầng được xây không đúng so với quy hoạch, thiết kế được duyệt diễn ra thường xuyên. Thời gian trước, khi UBND thành phố Hà Nội lập Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra ngẫu nhiên 50 dự án khu nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố, phát hiện có tới 38 chung cư có sai phạm.

Sai phạm phổ biến là xây dựng vượt số tầng, thông tầng, vượt diện tích xây dựng, vượt diện tích sàn xây dựng so với quy hoạch, thiết kế được duyệt hoặc giấy phép xây dựng, sử dụng sai công năng một số tầng trong toà nhà chung cư, thay đổi cơ cấu căn hộ, chưa hoàn thiện hồ sơ về quy hoạch, xây dựng…

Điển hình như Khu chung cư và thương mại dịch vụ hỗn hợp Capitaland Hoàng Thành (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) do Công ty TNHH Capitaland Hoàng Thành làm chủ đầu tư, thiết kế chỉ có 992 căn nhưng tăng lên 1.478 căn; Dự án Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân), chủ đầu tư xây tăng 2 tầng so với giấy phép xây dựng; Dự án khu nhà ở kết hợp dịch vụ công cộng trên đường Nguyễn Tuân do Công ty Đầu tư phát triển đô thị và thiết bị vật tư Hà Nội 1 làm chủ đầu tư xây 2 tầng chung cư ngoài giấy phép xây dựng, xây dựng sai giấy phép nhiều diện tích; Tòa nhà chung cư - trung tâm thương mại và dịch vụ tại 200 Quang Trung (quận Hà Đông) của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Bình Vượng tự ý xây tăng thêm 5 tầng…

Sakura Tower

Dự án Sakura Tower47 Vũ Trọng Phụng xây tăng 2 tầng so với giấy phép xây dựng, nhiều căn hộ bị chủ đầu tư tự ý thay đổi công năng sử dụng.

Những vi phạm như vậy ảnh hưởng như thế nào tới chất lượng cuộc sống cư dân? TS.KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đã có những chia sẻ về vấn đề này với Reatimes.

PV: Gần đây, có không ít khu chung cư bị “lật tẩy” vi phạm về xây dựng như tự ý vượt tầng, thay đổi công năng các tầng, tăng số căn hộ… Theo ông đánh giá, một khu chung cư xây dựng sai so với quy hoạch, thiết kế được duyệt ban đầu sẽ dẫn đến những hệ lụy nào?

TS.KTS. Trương Văn Quảng: Khi muốn tăng diện tích sàn lên, chủ đầu tư sẽ thông qua 2 cách: hoặc là tăng chiều cao công trình, hoặc là tăng mật độ xây dựng. Nếu tăng chiều cao công trình, nó sẽ ảnh hưởng không gian kiến trúc cảnh quan theo quy hoạch trước đó, còn nếu tăng mật độ xây dựng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề đất đai, khoảng không của khu vực.

Tất nhiên khi tăng diện tích xây dựng nhà lên thì những vấn đề khác như cây xanh, mặt nước, độ thông thoáng của khu vực sẽ giảm đi. Rõ ràng chất lượng không gian, không khí, môi trường sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, vấn đề hạ tầng như giao thông, cấp điện, cấp nước cũng bị sức ép.

Chẳng hạn, theo quy hoạch, tòa nhà chỉ cần 4 thang máy là đủ. Nhưng nếu tự ý thêm tầng, thêm số căn hộ mà không thêm số lượng thang máy thì chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải trong giờ cao điểm.

Bên cạnh đó, rất nhiều khu chung cư trong thiết kế thì có đủ không gian công cộng như khu vui chơi trẻ em, nhà cộng đồng… nhưng thực tế khi đưa vào xây dựng thì “cắt phéng” đi, thay vào đó là “chèn” căn hộ, khu vực kinh doanh vào nhằm thu lời. Điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của cư dân sống tại tòa nhà.

TS.KTS. Trương Văn Quảng

TS.KTS. Trương Văn Quảng,Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

PV: Có một thực trạng là nhiều tòa nhà sau khi cho khách hàng vào ở rồi thì mới bị “lật tẩy” sai phạm do các cơ quan, ban ngành vào cuộc kiểm tra. Ông nghĩ sao về tình trạng này, thưa ông?

TS.KTS. Trương Văn Quảng: Có một điều đáng buồn là nhiều cư dân chưa thực sự để tâm đến các vấn đề chung. Mà thường những sai phạm này lại do chính quyền, các nhà quản lý, nhà đô thị học… phát hiện ra. Người dân, chỉ khi nào bị tác động trực tiếp, bị ảnh hưởng đến họ thì họ mới nghĩ đến vấn đề đấy thôi. Còn bình thường trông nhà cửa khang trang là người ta vào ở. Cách sống của người dân đô thị bây giờ khác ngày xưa. Bây giờ, cứ về đến nhà là nhiều người “chui tọt” vào trong nhà, đóng cửa rồi ngại va chạm, nên họ cũng không để ý.

PV: Điều đó có nghĩa là trong nhiều trường hợp, người dân đang đồng ý một cách gián tiếp với sai phạm của chủ đầu tư?

TS.KTS. Trương Văn Quảng: Chính là như thế. Chỉ khi nào họ cảm thấy quá ảnh hưởng đến mình thì họ mới lên tiếng. Chẳng hạn như rác nhiều quá, không thu gom kịp, hay như vấn đề cấp điện, cấp nước trong tòa nhà; Hay như thiếu cây xanh, thiếu không gian công cộng; Hoặc trong quảng cáo có đường này đường kia gắn với nhau để thoát ra trục chính nhưng thực tế không có; Hoặc ban quản trị tòa nhà quản trị không tốt… Chứ nhìn tổng thể thì ít khi họ để ý.

Trong mỗi khu nhà, mỗi khu đô thị, luôn có nhiều loại người gắn với nhiều loại công việc khác nhau nên nếu không phải là những vấn đề sát sườn như “miếng cơm manh áo” thì họ cũng không lấy đó làm trọng. Nhiều khi, họ thấy chật chội nhưng cũng tặc lưỡi cho qua vì tâm lý “có nhà ở là tốt rồi”.

PV: Ông nhận định tình trạng này trong tương lai sẽ có thay đổi tích cực như thế nào?

TS.KTS. Trương Văn Quảng: Khi mà các bộ luật được công khai minh bạch, những công dân trẻ, công dân có tri thức sẽ có ý kiến chứ không bằng lòng như bây giờ. Thời gian gần đây cũng đã có sự thay đổi nhất định. Như chúng ta thấy, báo chí liên tục đưa tin cư dân các tòa nhà có sai phạm lên tiếng đòi công bằng.

Nay mai, khi mà mọi thứ được công khai hết về chất lượng nhà ở, môi trường đô thị… người dân sẽ có cơ sở để lên tiếng. Chỉ cần thấy vi phạm, họ sẽ lên tiếng ngay. Mà chỉ cần 1, 2 người phản ánh về vi phạm chứ không cần kéo đàn kéo đống, đơn vị quản lý tự khắc sẽ phải xử lý ngay.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo dothi.reatimes.vn