Hoạt động du lịch nội địa tuy mới bắt đầu hoạt động trở lại nhưng đã khá sôi động khi nhiều doanh nghiệp du lịch giới thiệu những sản phẩm kích cầu với mức giá giảm sâu. Tuy nhiên, để chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” có tính bền vững, phát triển ổn định thị trường du lịch nội địa, ngành Du lịch cần có kế hoạch dài hơi hơn, trong đó không thể thiếu những cái “bắt tay” chặt hơn của các đơn vị trong việc xây dựng sản phẩm, dịch vụ phù hợp với tâm lý, sở thích của người Việt Nam.
Du lịch nội địa khởi sắc
Ngay sau khi có chủ trương của Chính phủ về việc đẩy mạnh quảng bá, phát triển du lịch nội địa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", đề nghị các địa phương, doanh nghiệp chủ động, khẩn trương phối hợp thực hiện kích cầu du lịch, tạo điều kiện để người dân đi du lịch. Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ngô Hoài Chung, chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm đẩy mạnh sự chung tay kết nối giữa các địa phương và đơn vị kinh doanh du lịch để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn; xây dựng môi trường du lịch an toàn, chất lượng, thân thiện...
Thực hiện chủ trương này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã nhanh chóng khởi động lại chương trình "Liên minh kích cầu" du lịch vốn phải tạm hoãn vào đầu tháng 3-2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, ở lần trở lại này, hoạt động của "Liên minh kích cầu" không còn bó hẹp trong 4 tỉnh như trước, mà mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Tại miền Bắc, Hà Nội được đặt ở vị trí trung tâm, thực hiện liên kết với các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bắc Ninh…
Sau “cú hích” có được từ đợt nghỉ lễ 30-4, 1-5, thị trường du lịch nội địa dần khởi sắc. Hàng loạt công ty du lịch dần “hồi sinh” với chiến lược kinh doanh cụ thể.
Tại Hà Nội, các doanh nghiệp uy tín, như: Hanoitourist, Vietravel, Saigontourist, Hanoi RedTours, Vietsense… đồng loạt tung ra những gói kích cầu, giảm giá từ 30% đến 50% và tập trung vào du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng...
Đánh giá bước đầu về hoạt động kích cầu du lịch, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hanoi RedTours Nguyễn Công Hoan cho biết, sau hơn 2 tuần thực hiện chương trình kích cầu, người dân đã hào hứng đi du lịch trở lại, đặc biệt quan tâm tới các gói sản phẩm có giá dịch vụ máy bay và khách sạn 4 sao giảm đến 60-70%. Còn theo Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Nguyễn Văn Tài, với chương trình kích cầu du lịch có mức giá giảm sâu, dự báo du lịch nội địa sẽ sôi động trở lại từ tháng 6-2020, bởi nhu cầu đi du lịch của người dân rất lớn.
Tăng uy tín, niềm tin
Hiện tại, chương trình kích cầu du lịch chủ yếu tập trung vào tháng 5 và tháng 6, nên các đơn vị đã xây dựng sản phẩm phù hợp với chiến lược kinh doanh của các hãng hàng không và đơn vị lưu trú.
Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng, chương trình kích cầu mới là bước khởi động nhằm kích thích nhu cầu du lịch của người dân. Khi thị trường “ấm” lên, các đơn vị phải tiếp tục thực hiện giải pháp cơ bản, như nâng cao chất lượng điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch mới phù hợp thị hiếu và nhu cầu của khách trong nước. Còn theo Giám đốc Công ty Du lịch AZA Nguyễn Tiến Đạt, để người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, thì giá cả chưa phải là yếu tố hàng đầu, điều quan trọng là các đơn vị phải cùng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để khách trong nước tin tưởng và tiếp tục lựa chọn.
Thời điểm này, ngoài sự nỗ lực của các đơn vị kinh doanh du lịch, nhiều địa phương cũng “xốc lại” hoạt động du lịch bằng việc mở cửa các điểm đến, có nơi tổ chức sự kiện du lịch quy mô lớn để quảng bá điểm đến. Tỉnh Quảng Ninh tổ chức Tuần du lịch Hạ Long, dự kiến khai mạc ngày 16-5. Tỉnh Quảng Bình khai thác thử nghiệm tour khám phá hang Vòm - hang Giếng Voọc....
Tại Hà Nội, các điểm di tích đồng loạt mở cửa từ ngày 14-5, đồng thời triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ mới. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, ngay khi di tích mở cửa trở lại, đơn vị sẽ giới thiệu sản phẩm lưu niệm đặc trưng của khu di tích, đưa công nghệ vào hoạt động giáo dục di sản. Các di tích khác, như: Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long… cũng giới thiệu nhiều hoạt động trải nghiệm mới ngay khi mở cửa trở lại.
Trong khi đó, những khu du lịch ở ngoại thành Hà Nội: Làng gốm sứ Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm… sẽ đẩy mạnh du lịch thông minh, nâng cao sự kết nối giữa các điểm đến. Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi thông tin, các dịch vụ du lịch thông minh, như: Xe đạp thông minh, thuyết minh tự động… sẽ được khởi động lại để giúp du khách có thêm trải nghiệm khi tham quan tại Bát Tràng.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, để thu hút du khách đến với Thủ đô, thời gian tới, bên cạnh du lịch di sản, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch nông trại. “Đây là thời điểm các đơn vị phải có sự đồng lòng, cùng nhau khẳng định uy tín, tạo sự tin tưởng, yên tâm cho du khách không chỉ bằng các sản phẩm, dịch vụ mới, mà còn bằng thái độ ứng xử văn minh, chu đáo”, ông Trần Đức Hải lưu ý.
Có thể thấy, mùa du lịch hè 2020 đang bắt đầu với nhiều chương trình hấp dẫn dành cho du khách. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho biết, tới đây, Bộ sẽ yêu cầu các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá du lịch, tăng cường xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn để người Việt Nam đi du lịch Việt Nam nhiều hơn, phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa.