Theo thông lệ, ngày 1/4 hàng năm được coi là ngày Cá tháng Tư - ngày nói dối. Trong ngày đó, mọi người thường trêu trọc người khác bằng những thông tin không có thật. Tuy vậy, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc đăng tải những thông tin bịa đăt, sai sự thật liên quan đến dịch bệnh này vào bất cứ thời điểm nào, kể cả ngày 1/4 cũng sẽ bị xử lý nghiêm.
Liên quan đến dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Cũng theo Chỉ thị này, dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm trên 72 vạn người mắc, gần 3,5 vạn người tử vong ở trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ở Việt Nam, số ca mắc đang tăng nhanh từng ngày và có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng. Dự báo, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và nền kinh tế, xã hội của đất nước.
Về chế tài xử lý đối tượng đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, vừa qua, Thẩm phán TANDTC đã có Công văn 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tại Công văn này, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.
Công văn nêu rõ, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 BLHS 2015.
Theo điều luật này, người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 nhằm thu lợi bất chính từ 50-dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100-dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng-3 năm.
Như vậy, theo tinh thần của công văn trên, bất cứ cá nhân nào đưa thông tin giả mạo, sai sự thật lên mạng xã hội về đại dịch Covid-19 trong bất kỳ thời điểm nào đều sẽ bị xử lý nghiêm. Hơn nữa, pháp luật Việt Nam cũng không có quy định nào về ngày Cá tháng tư. Do đó, mọi lời giải thích về những thông tin thiếu chính xác được đăng tải trên mạng liên quan đến ngày 1/4 đều là ngụy biện và sẽ không được chấp nhận – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.