Mới đây, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai tiếp nhận cấp cứu một trường hợp bị suy hô hấp, phải thở máy do dùng thuốc sốt rét chloroquin để phòng ngừa Covid-19. Đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận ngộ độc thuốc sốt rét.

Suýt chết vì ngộ độc thuốc chữa sốt rét

Bệnh nhân này là nam, 44 tuổi ở Hà Nội được đưa đến Trung tâm Chống độc-BV Bạch Mai cấp cứu với chẩn đoán ngộ độc thuốc sốt rét. Trước đó, bệnh nhân này đọc thông tin trên mạng thấy nói thuốc chữa sốt rét có thể phòng được Covid-19 nên đã mua 100 viên chloroquin 250mg và uống trước 15 viên để… dự phòng.

Hiệu quả là phòng bệnh Covid-19 đâu chưa thấy, chỉ thấy bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nôn nhiều, mờ mắt, suy hô hấp... Tại BV huyện, người đàn ông này được rửa dạ dày, dùng than hoạt, thở máy không xâm nhập kịp thời, sau đó chuyển đến Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai điều trị tiếp. Rất may bệnh nhân này đã qua khỏi.

Đây là ca ngộ độc thuốc sốt rét do uống để “dự phòng Covid-19” đầu tiên được cơ quan y tế ghi nhận trong mùa dịch này. Tuy nhiên trên mạng vẫn đang có nhiều người đồn đại về tác dụng dự phòng của thuốc sốt rét với Covid-19, trong đó có những “hướng dẫn” như: Nếu là nhóm F1, F2 (tức là người có tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc tiếp xúc với người tiếp xúc) thì có thể uống thuốc này 1 viên/tuần để dự phòng.

Bác sỹ Trần Văn Phúc, khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK Xanh Pôn chia sẻ, thuốc chloroquine đã được Ủy ban Y tế và sức khỏe quốc gia Trung Quốc chấp thuận từ ngày 19-2-2020, được quy định rõ trong “Phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi do coronavirus chủng mới-phiên bản 6”. Theo đó, thuốc chloroquine phosphate 500mg dạng viên uống chỉ định cho người lớn, 2 lần mỗi ngày.

Khi biết thông tin này, một phụ nữ trẻ ở Vũ Hán mặc dù không có bất cứ dấu hiệu bệnh tật nào khi ở nhà, nhưng vì quá lo sợ đã mua thuốc chloroquine sulfate loại 500mg từ mạng xã hội. Cô mua được 18 viên và uống hết trong 1 ngày. Hậu quả cô bị mê sảng, nhịp tim nhanh rung thất, may mắn được đưa đến BV kịp thời, cô thoát chết trong gang tấc ngày 23-2-2020.

Theo ông Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng Trung ương, từ thời điểm có thông tin trên mọi người đã đồn thổi nhau và đi mua khiến giá thuốc từ dưới 100.000đồng/hộp tăng gấp rưỡi chỉ trong buổi sáng rồi tăng liên tục; giá mua buôn đã trên 200.000 đồng và cửa hàng lẻ đã hết hàng. Riêng loại thuốc nhập khẩu hộp 3 vỉ, mỗi vỉ 10 viên đã tăng lên 500.000đồng/hộp, tăng rất mạnh so với trước mà nhiều nơi còn không có để mua.

Loại thuốc chống sốt rét được nhiều người tích trữ với mục đích dự phòng Covid-19.

Chloroquine có thể gây chết người

Ông Trần Thanh Dương nhấn mạnh, đây là thuốc điều trị sốt rét, hiện vẫn đang sử dụng trong điều trị sốt rét tại Việt Nam nhưng muốn sử dụng điều trị bệnh khác thì phải có phác đồ và phác đồ đó phải được Bộ Y tế phê duyệt. Thuốc cũng có chống chỉ định với trường hợp dị ứng thuốc, người bị bệnh gan... nên không thể sử dụng tràn lan và đây cũng không phải thuốc sử dụng cho dự phòng, chỉ dùng khi đã mắc bệnh.

Bác sỹ Trần Văn Phúc phân tích, việc sử dụng thuốc chloroquine điều trị Covid-19 đã được nghiên cứu, thử nghiệm và được đưa vào phác đồ điều trị tại Trung Quốc. Còn tại Mỹ, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, FDA đã phê chuẩn dùng chloroquine để điều trị bệnh Covid-19. Tuy nhiên, tuyên bố này đã bị FDA bác bỏ.

Ủy viên FDA Stephen Hahn cho biết, cơ quan này chưa phê duyệt bất cứ thuốc nào để điều trị Covid-19; Chloroquine đã được FDA phê duyệt để điều trị các bệnh khác, nên các bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân Covid-19 nếu họ muốn. Kê đơn, nhưng sự an toàn và hiệu quả của chloroquine trong điều trị căn bệnh này vẫn chưa được chứng minh.

Như vậy, cho đến nay việc sử dụng chloroquine để điều trị Covid-19 vẫn còn nhiều điều phức tạp. Và với những tác dụng không mong muốn của chloroquine như gây ngộ độc nghiêm trọng khi dùng quá liều và tử vong thì tốt nhất mọi người không nên tích trữ thuốc, việc sử dụng thuốc phải tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sỹ-bác sỹ Trần Văn Phúc đưa ra lời khuyên.

Trong khi những bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế đang gồng mình chống dịch, điều cần mỗi người dân thực hiện là tuân thủ những khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch bệnh. Việc tự ý sử dụng các loại thuốc khi gây hậu quả đến sức khỏe, phải đi cấp cứu, điều trị cũng làm cho các bác sỹ, nhân viên y tế thêm gánh nặng. Vì vậy, mỗi người thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành y tế nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh, giảm bớt áp lực cho những nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch.

Theo Pháp luật & Xã hội