Từ nhân viên y tế…

Là nhân viên y tế làm việc trong các BV, chẳng cần chờ đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát, những y, bác sỹ mới có nguy cơ phơi nhiễm từ bệnh nhân. Mà từ trước đó, khi trong từ điển của mỗi người đều chưa có từ Covid thì các y, bác sỹ đã luôn là những đối tượng hết sức nhạy cảm với các bệnh truyền nhiễm. Chắc chưa ai quên trong cuộc chiến với dịch SARS, 6 y, bác sỹ của BV Việt Pháp đã tử vong, họ là những y, bác sỹ ở tuyến đầu, những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Và họ cũng tử vong do chính căn bệnh lây nhiễm từ những bệnh nhân họ cứu sống ấy.

Xa xưa nữa, đại dịch đậu mùa châu Âu ở thế kỷ 17, dịch tả ở thế kỷ 19, thế kỷ 20 với H3N2… có ai dám chắc là không có những y, bác sỹ phơi nhiễm và đã ngã xuống vì dịch bệnh. Và đến nay, khi mà dịch Covid bùng phát được nhắc tới là một dịch “siêu lây nhiễm” thì việc bất cứ lúc nào, bất cứ khi nào các y, bác sỹ lại một lần nữa luôn đối diện với rất nhiều, bởi bất kỳ bệnh nhân nào mà họ đang điều trị, cũng có thể là một “ổ dịch” giấu mặt. Âu đó cũng là rủi ro của nghề mà không phải ai cũng tránh được.

Biết là nhiều rủi ro, nhưng chưa một ai trong các y bác sỹ đó bỏ cuộc. Đó là câu chuyện của một bác sỹ trẻ, đến cả người thân mất, anh còn bị người thân không cho về, do anh là bác sỹ của BV Bạch Mai. Cũng vậy, trước đó, khi mới vào giai đoạn đầu, một số y tá, điều dưỡng của BV Nhiệt đới TW cơ sở 2 ở Kim Chung cũng bị chủ nhà không cho thuê chỉ bởi các cô làm ở BV điều trị Covid-19.

Và mới đây, là câu chuyện của một sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội hiện đang tình nguyện trên tuyến đầu cho hay, đến cả gia đình của em cũng không muốn em tham gia chống dịch. Chuyện em xách va ly ra khỏi nhà cũng liên quan đến câu chuyện chính những người thân trong gia đình e dè với việc em sẽ trực tiếp làm việc với những người có nguy cơ dương tính với Covid.

“Còn em thì không đến nỗi ra khỏi nhà nhưng em cũng phải dặn với bố mẹ là tránh nói với hàng xóm chuyện em đi chống dịch. Bởi khó có thể tránh khỏi việc em đi đi về về sẽ khiến hàng xóm e ngại mà xa lánh bố mẹ em”, một sinh viên Viện Đào tạo Y học dự phòng và y tế công cộng, ĐH Y Hà Nội chia sẻ.

Mặc dù bị kì thị, nhưng những “chiến binh” áo trắng vẫn miệt mài cứu chữa người bệnh. Ảnh: BV Bạch Mai

…Đến những người dương tính

Thời gian đầu, ở giai đoạn 1 của dịch Covid, cả xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bị phong tỏa do có người dương tính với corona. Không ai nói với ai, nhưng rất nhiều nơi, nhiều người ngấm ngầm xa lánh người Vĩnh Phúc. Có nhiều khu đô thị còn yêu cầu chủ đầu tư, ban quản trị khu dân cư phải rà soát và công khai số căn hộ có người ở Vĩnh Phúc cư trú. Nhiều khách sạn, nhà hàng từ chối phục vụ người ở tỉnh Vĩnh Phúc. Có những bệnh nhân đã ra viện, nhưng sự hoảng sợ không phải bởi dịch bệnh, mà từ sự kì thị, xa lánh của hàng xóm láng giềng vẫn ám ảnh họ.

Cũng lại chuyện ở một chung cư nọ, bởi về trước ngày 17-3 nên nhà cô gái du học sinh Anh khi về nước đã thuê cho con một căn hộ ở tòa bên cạnh để tự cách ly tại nhà. Dĩ nhiên, trước khi về cách ly, gia đình cô đã khai báo y tế đầy đủ. Đến ngày 18-3, sau khi có lệnh cách ly tập trung thì trường hợp này được thông báo trên group nội bộ của dân cư. Và sau đó là những câu rủa xả, những chỉ trích, những trách móc… đến gia đình và cô gái. Lác đác một vài câu thanh minh, thông cảm, nhưng ngập tràn group hôm đó là những nặng nề, kỳ thị.

Và mới đây, trải lòng của một bệnh nhân dương tính, liên quan đến bệnh nhân 133 lại thực sự khiến người nghe thắt lòng. Rằng họ biết họ là những F1, rằng họ là những người có nguy cơ cao. Hiểu vậy nên ngay từ khi có tin, họ đã báo với chính quyền và chủ động cách ly. Nhưng không may mắn, gia đình họ tiếp tục có người dương tính. Mẹ, con trai, con dâu, cháu… đều dương tính, mỗi người điều trị một nơi, éo le là vậy, nhưng gia đình họ cũng không yên bởi những bài xích của hàng xóm, láng giềng xung quanh.

Thời buổi dịch bệnh, vốn chẳng cần phải thêm bất cứ một điều gì cũng đã mệt mỏi lắm rồi. Thêm những kỳ thị, thêm những xa lánh và thêm những bạc bẽo về tình người khiến người ta càng nặng nề, rối rắm. Về sự kỳ thị, có người đã phải thốt lên: “Dịch bệnh, nhìn ở khía cạnh kỳ thị đã xóa nhòa đi ranh giới tốt đẹp của sự chan hòa, thân ái. Và trước sinh mệnh của con người, những chiếc ba-ri-e ngăn chặn được lập ra, lúc này không chỉ ở những khu vực phong tỏa, cách ly về thân thể để ngăn ngừa dịch bệnh, mà nó đã trở thành rào cản về quan điểm tự trong trí não mỗi người.”

Sự sợ hãi, hoảng loạn dẫn khiến người ta bộc lộ hết bản chất, họ không phân biệt được đâu là cách ly, tự bảo vệ bản thân và tự trang bị kiến thức mà họ kiếm những đối tượng để đổ lỗi. Việc đổ lỗi không dừng ở việc oán trách cá nhân, mà đôi khi, những phũ phàng trong lời nói khiến họ trở thành người kích động, dấy lên sự kỳ thị, xa lánh. Không còn tình làng nghĩa xóm, không còn quan hệ họ hàng… Mà những người dương tính, với họ, là những tác nhân gây nên tình trạng căng thẳng, khốn khổ của họ như hiện nay.

Bác sỹ Ngô Hùng, BV Bạch Mai thẳng thắn: “Thay vì cảm thông và bình tĩnh tuân thủ khuyến cáo và thư giãn, thì đi tấn công những người không may mắn có làm người ta bớt sợ hơn không, có hả dạ hơn không?”. Bác sỹ Hùng giả định: “Nếu chẳng may những người đó và gia đình họ bị nhiễm, chẳng may, liệu họ có muốn bị hàng xóm tấn công mình như thế không? Hành động như vậy, sẽ khiến người ta sợ mà giấu không dám khai báo.”

Theo Pháp luật & Xã hội