Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy ban Pháp luật Quốc hội): Tôi cứ nghĩ trên đời không có chuyện đó, nhưng lại có thật

Tôi đã từng làm Bí thư Huyện ủy hai nơi nhưng soi chiếu vào vụ việc này tôi cảm thấy nó hết sức lạ lùng. Bất ngờ là bởi việc Huyện ủy, UBND huyện mượn tiền cán bộ mà không ai lên tiếng? Có hay không chuyện cán bộ sợ bị hoạch họe nên dám lên tiếng?

Việc Huyện ủy, UBND huyện nợ đến 50 tỷ đồng là quá đáng, Tôi từng làm Bí thư Huyện ủy hai nơi, nhưng chưa bao giờ gặp chuyện như vậy. Chẳng bao giờ có chuyện phát sinh đến mức đi mượn tiền công chức, viên chức để chi tiêu việc khác của huyện.

Đây là việc làm có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý tài chính. Vậy, cơ quan thanh tra, kiểm tra giám sát vấn đề tài chính hằng năm thực hiện nhiệm vụ ra sao? Tại sao để sự việc ra như vậy? Có chuyện buông lỏng quản lý không? Tại sao sự việc kéo dài như vậy mà không hề hay biết? Hay có chuyện họ biết nhưng "ém nhẹm", để Bí thư, Chủ tịch huyện “hạ cánh an toàn”? Tôi nghĩ rằng, đến bây giờ khi sự việc không thể “gói ghém” được nên mới "vỡ" ra.


Đại biểu Phạm Văn Hòa.

Hiện nay chúng ta đang thực hiện “hồi tố” vi phạm của cán bộ thời kỳ trước đảm nhiệm cương vị lãnh đạo nhưng có vi phạm, để xử lý theo quy định của pháp luật. Điều này cũng có nghĩa là cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa mà cụ thể là Thanh tra tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cần vào cuộc làm rõ vụ việc chứ không thể cán bộ “hạ cánh an toàn” như vậy được. Nếu vụ việc đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải thực hiện theo quy định để phân định rõ trách nhiệm của cán bộ đâu ra đó.

Để câu chuyện đó diễn ra trong nhiều năm như vậy làm mất “thế”, mất uy tín của cơ quan quản lý Nhà nước. Người dân người ta sẽ nghĩ gì về việc thông tin huyện vay hàng chục tỷ đồng? Cán bộ công chức thời điểm đó tại sao không dám nói gì hết? Tại sao đến thời điểm này mới lộ ra chuyện thiếu nợ? Nếu đó là chuyện cá nhân vay tiền người khác, thì buộc người vay phải hoàn tiền lại. Tôi cứ nghĩ trên đời không có chuyện đó nhưng lại có thật.

PGS.TS Bùi Thị An: Cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu

Về mặt quản lý tài chính thì phải thực hiện chi tiêu theo dự toán ngân sách. Cho nên để xảy ra vụ việc như báo chí phản ánh thì người đứng đầu huyện đó phải chịu trách nhiệm với Nhà nước, với nhân dân. Còn về phân cấp quản lý thì cấp dưới sẽ phải chịu trách nhiệm đối với cấp trên nếu anh làm sai. Về quản lý chung, Chủ tịch huyện thời điểm đó không thể đổ lỗi cho cấp dưới được.

Những việc chi tiêu có bất thường về mặt tài chính thì người đứng đầu phải biết để xử lý.  Tại  sao trong vụ việc này phát sinh ngoài hàng tỷ đồng mà anh không biết? Rõ ràng, việc chi ngoài dự toán thể hiện rõ dấu hiệu vi phạm về tài chính.

PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa cần vào cuộc làm rõ, kết luận vụ việc. Nếu có vi phạm thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về người đứng đầu đơn vị.

Mặt khác, việc minh bạch trong vấn đề thu chi tại huyện Yên Định không phải là bí mật quốc gia. Nếu huyện thấy khó làm rõ thì cấp trên nên vào cuộc xử lý. Nếu sai thì xử lý theo quy định để người dân thấy rằng chúng ta công khai minh bạch trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý cán bộ.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Có tham nhũng không?

Thứ nhất: Trách nhiệm trong vụ việc này không chỉ thuộc về huyện mà còn có phần của tỉnh. Đây là vấn đề thuộc về lãnh đạo chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra.

Thứ 2: Vấn đề ở đây không hẳn chỉ là vấn đề nợ. Theo quan điểm của tôi, nếu đây là khoản nợ vì mục tiêu quốc kế dân sinh, an sinh xã hội, vì quyền lợi của người dân thì đó là câu chuyện bình thường bởi Chính phủ ta cũng nợ và nhiều nước trên thế giới cũng nợ.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện Quốc hội.

Tuy nhiên, cần phải xem xét kỹ, những khoản chi tiêu như báo chí phản ánh có thực sự cần thiết không? Khoản nợ đó có vượt quá thẩm quyền (quyết toán) và tỷ lệ nợ công cho phép không? Việc huyện muốn nợ phải có ý kiến của tỉnh và được phép nợ bao nhiêu, trong phạm vi Quốc hội đã quyết (cho phép nợ công) cho từng tỉnh. Cái này đã có quy định trong Luật quản lý nợ công.

Thứ 3: Phải xem trong khoản nợ này có liên quan gì tới tham nhũng không? Các khoản tài chính chi tiêu này có sự giám sát của Hội đồng nhân dân, UBND huyện, các cơ quan giám sát hay không? Công tác kiểm tra của Đảng như thế nào về việc này mà để xảy ra tình trạng nêu trên.


Theo Quốc Toản/Đô Thị Mới