Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thử nghiệm toàn hệ từ 12/12 - 31/12. Có 9 đoàn tàu được đưa vào khai thác thử liên tục trong ngày với 166 quy trình vận hành, được thực hiện thống nhất, theo hai hướng từ đầu tuyến Yên Nghĩa đến cuối tuyến là ga Cát Linh.
Hoạt động vận hành thử nghiệm có sự tham gia của nhiều bên, gồm: Chủ đầu tư dự án, Tổng thầu Trung Quốc, Tư vấn độc lập của Pháp, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước...
Riêng về phía đối tác Trung Quốc, lãnh đạo cấp cao Cục 6 đường sắt Trung Quốc trực tiếp có mặt tại dự án để điều hành quá trình vận hành thử nghiệm trong 20 ngày.
Toàn hệ thống dự án được vận hành theo cơ chế điều khiển tập trung, tự động từ Trung tâm Điều hành OCC đặt tại Depot Hà Đông. Các thông tin, tín hiệu của hệ thống tự động truyền về trung tâm điều hành để phục vụ chỉ huy, điều hành.
Các thông tin, tín hiệu của hệ thống tự động truyền về trung tâm điều hành để phục vụ chỉ huy, điều hành. Khi khai thác, tần suất đoàn tàu đến ga khoảng 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến.
Như vậy, theo phương án vận hành thử nghiệm toàn hệ thống, hôm nay là ngày chạy thử cuối cùng của dự án, kết thúc quá trình kéo dài 20 ngày đánh giá kỹ thuật, an toàn chạy tàu của dự án này.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết về nguyên tắc, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được phê chuẩn theo quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ của Trung Quốc, vì vậy tư vấn Pháp tham gia đánh giá độc lập tại dự án cũng căn cứ trên cơ sở các quy trình, tiêu chuẩn đã được thông qua tại dự án này.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết rằng quá trình tàu chạy có nhiều tình huống được đưa ra để thử nghiệm, đánh giá các yếu tố về kỹ thuật, khai thác, an toàn. Khi kết thúc hoạt động vận hành thử nghiệm thì các bên sẽ có đánh giá cụ thể, riêng Tư vấn Pháp sẽ có những đánh giá riêng vì đây là tư vấn độc lập
Bộ GTVT đã yêu cầu các bên liên quan đến ngày 20/1/2021 kết thúc quá trình đánh giá an toàn về dự án, để bàn giao cho UBND TP.Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.
Cùng với đó, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tiếp nhận đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông và giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội xây dựng phương án cụ thể, chuẩn bị đầy đủ nhân lực và các điều kiện cần thiết để tiếp nhận, vận hành; lưu ý trách nhiệm về toàn bộ vấn đề pháp lý, kỹ thuật, vận hành an toàn và nhấn mạnh cần tính toán chặt chẽ để thực hiện tốt nhất yêu cầu sau tiếp nhận dự án này từ Bộ GTVT.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã cam kết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa vào vận hành, khai thác thương mại Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước Đại hội Đảng toàn quốc năm 2021.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.
Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Nguồn: https://congluan.vn/duong-sat-cat-linh--ha-dong-van-hanh-thu-ngay-cuoi-cung-post111613.html