Thông tin trên được Bộ Thông tin và truyền thông (TTTT) công bố tại hội nghị sơ kết công tác quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm diễn ra tại Hà Nội ngày 17/7.

Lý giải cho tình trạng phát tán tin nhắn rác ngày càng rộ mạnh, Bộ TTTT cho rằng, chi phí thực hiện gửi tin nhắn thấp, hiệu quả cao, ngay cả các cá nhân cũng có thể gửi đi với số lượng lớn. Bên cạnh đó, việc thực hiện đăng ký thông tin thuê bao trả trước và kiểm tra tính xác thực của thông tin đăng ký vẫn còn nhiều vấn đề. Đặc biệt, dư luận cho rằng bản thân các nhà mạng chưa thực sự quyết liệt ngăn chặn, mức xử phạt cũng chưa đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến phản ánh rằng, các SIM phát tán tin nhắn rác thường là SIM rác, sau khi nhắn hết tài khoản thì kẻ phát tán cũng vứt đi. Vì thế, kể cả nhà mạng có khóa, chặn SIM đó thì thực chất cũng không mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, nhà mạng trả lời rằng nếu chặn tin nhắn rác theo thời gian thực thì rất khó về mặt kỹ thuật.

Tin nhắn rác thường xuyên được gửi về điện thoại cá nhân - Ảnh: T.T.D.

Tin nhắn rác thường xuyên được gửi về điện thoại cá nhân - Ảnh: T.T.D.

Hiện tại, hầu hết các mạng đều đã triển khai những biện pháp chặn tin nhắn rác thông qua tần suất tin nhắn. Một số đang thử nghiệm chặn tin theo từ khóa, song tin nhắn quảng cáo bất động sản, SIM đẹp vẫn hoành hành, gây bức xúc trong dư luận. Chính vì vậy, Bộ TT&TT tiếp tục xác định "ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và quản lý thông tin trên mạng" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm.

Bộ TTTT cũng cam kết sẽ đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra về phát tán tin nhắn rác, lừa đảo. Các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Theo báo cáo sơ kết 6 tháng của Bộ, trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật tại 9 tổ chức, doanh nghiệp và kiểm tra hành chính tại 2 đơn vị, thanh tra đột xuất 2 đơn vị. Đã có 26 quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành với tổng số tiền lên tới hơn 1,3 tỷ đồng, thu hồi 64 triệu đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, các doanh nghiệp nội dung số và nhà mạng cần nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động của mình trong thời gian tới. Nếu SIM của nhà mạng nào được những đối tượng phát tán tin nhắn rác sử dụng thì phải được coi là trách nhiệm của nhà mạng đó. "Chính vì nhà mạng quản lý không tốt SIM trả trước theo Thông tư 04 nên số lượng tin nhắn rác xuất phát từ SIM do mạng đó phát hành mới nhiều", Bộ trưởng phân tích. 

Tại hội nghị, Bộ TTTT cũng cho biết doanh thu viễn thông 6 tháng đầu năm ước đạt gần 178.000 tỉ đồng (không tính phần kinh doanh của Viettel ở nước ngoài).

Hiện cả nước có 143 triệu thuê bao điện thoại các loại, trong đó có 6,1 triệu thuê bao điện thoại cố định. Lượng thuê bao có sự dịch chuyển rõ rệt từ dịch vụ 2G sang 3G với việc thuê bao 3G tăng 7,3 triệu trong 6 tháng đầu năm. Như vậy, căn cứ theo số liệu công bố cuối năm 2014 (cả nước có 27,5 triệu thuê bao 3G) thì tính chung đến nay cả nước có 34,8 triệu thuê bao 3G.

Đối với dịch vụ truyền hình, cả nước hiện có gần 9,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Trong đó, truyền hình vệ tinh 1,4 triệu, truyền hình cáp gồm 5,99 triệu thuê bao cáp tương tự (analog) và 778.000 thuê bao cáp số, truyền hình kỹ thuật số mặt đất 300.000 thuê bao, truyền hình giao thức Internet (IPTV) 1,15 triệu thuê bao, truyền hình di động (Mobile TV) 220.000 thuê bao. Tổng doanh thu trong lĩnh vực truyền hình đạt hơn 9,1 ngàn tỉ đồng./.

Nhật Linh / Theo Ngày nay Online