Năm 2022, ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo quy định.
Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tập trung ưu tiên triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022”, Bộ LĐ-TB&XH đã quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân; trong đó, các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 được tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Trong 3 năm (từ 2020 đến hết năm 2022), ngân sách nhà nước đã hỗ trợ trên 68,43 triệu lượt người lao động, người dân và trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí gần 104,5 ngàn tỷ đồng, thông qua hình thức chi trả bằng tiền mặt hoặc các chính sách trực tiếp và gián tiếp.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc chi trả, hỗ trợ cho các đối tượng để kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa những sai phạm, bảo đảm kinh phí hỗ trợ được chuyển kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Kết quả cụ thể như sau:
Về kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ năm 2021: Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP (sửa đổi tại Nghị quyết số 126/NQ-CP) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (sửa đổi tại Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg), toàn quốc có 36.434.5932 lượt người lao động, người dân, 394.440 lượt người sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh được hỗ trợ với tổng kinh phí là 45.665,2 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách theo các Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021, Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 ngày 11/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã có 346.664 đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp, tương ứng với 11.983.290 người lao động và với số tiền được điều chỉnh giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp (từ tháng 10/2021 đến hết tháng 9/2022) hơn 9.210 tỷ đồng;
Đến nay, đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 13.334.207 lao động thuộc đối tượng hỗ trợ với tổng số tiền chi trả hơn 31.836 tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động là hơn 41.046 tỷ đồng.
Về thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 quy định việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan đánh giá tổng thể chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm.
Triển khai thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, theo báo cáo của 60 tỉnh, thành phố có đối tượng[2], đến nay đã hỗ trợ cho 5.272.688 lượt người lao động với kinh phí trên 3.744,1 tỷ đồng; trong đó: (i) Hỗ trợ người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp hơn 3.215,9 tỷ đồng; hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động hơn 528,2 tỷ đồng.
Nhìn chung, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã đúng trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo các nguyên tắc quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, bao phủ được hầu hết người lao động có quan hệ lao động đang ở thuê, ở trọ ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm (số đối tượng được hỗ trợ bằng 71,8% số dự kiến ban đầu), qua đó góp phần phục hồi nhanh thị trường lao động, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.
Công tác tổ chức thực hiện nhanh chóng, quyết liệt; hầu hết các tỉnh đã hoàn thành ngay trong tháng 8/2022 (thời gian thực hiện chính sách 5 tháng); các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể đều phối hợp, tham gia ngay từ ban đầu để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cũng như phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động trong việc triển khai thực hiện, tạm ứng kinh phí từ các nguồn ngân sách của địa phương để kịp thời chi trả hỗ trợ cho người lao động và hoàn thành giải ngân trước thời hạn.
Bên cạnh đó, 02 tỉnh Tuyên Quang, Ninh Bình dùng nguồn ngân sách địa phương để mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã có chính sách riêng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, có khu nhà ở miễn phí cho người lao động...
Nguồn: https://baodansinh.vn/gan-1045-nghin-ty-dong-ho-tro-nguoi-lao-dong-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-anh-huong-covid-19-20230120221649.htm