Mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính
Theo một nghiên cứu mới đây về thực trạng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng hiện phân thành 3 nhóm chủ yếu, bao gồm: nhóm khách hàng phổ thông: có độ tuổi từ 21-55, thu nhập ổn định từ mức 2 triệu đồng/tháng trở lên; nhóm khách hàng mua một loại sản phẩm như: ô tô, xe máy (Toyota, Honda) được hướng đến bởi các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động theo mô hình công ty tài chính bán hàng, cung cấp khoản vay với tài sản đảm bảo là chính sản phẩm mà khách hàng mua; và nhóm khách hàng là cán bộ, công nhân viên của các tập đoàn, tổng công ty được hưởng các sản phẩm tài chính tiêu dùng do công ty tài chính của chính tập đoàn đó cung cấp, thường dưới hình thức vay tín chấp.
Theo đó, có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty tài chính tiêu dùng, thỏa mãn các yêu cầu về độ tuổi và mức thu nhập.
Đáng chú ý, theo nghiên cứu này, phần lớn khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng chưa từng tiếp cận bất kỳ một khoản vay nào trước đó.
Cụ thể, có trên 60% khách hàng sử dụng sản phẩm cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng chưa từng vay vốn ngân hàng; gần 70% trong số họ chưa từng tiếp cận một dịch vụ vay nào khác ngoài ngân hàng.
Điều đó cho thấy, trước khi vay từ các công ty tài chính tiêu dùng, hầu hết các khách hàng này không tiếp cận bất kỳ một dịch vụ cho vay nào khác. Nói cách khác, các công ty tài chính đã mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho một nhóm đối tượng mới.
Tuy nhiên, hầu hết các khoản vay thực tế từ các công ty tài chính tiêu dùng thường có quy mô nhỏ. 92,2% trong nhóm khách hàng từ các công ty tài chính tiêu dùng cho biết khoản vay của họ có quy mô dưới 100 triệu đồng, chỉ có 3,21% trong nhóm khách hàng có khoản vay từ 100-500 triệu đồng và không có khách hàng nào có khoản vay trên 500 triệu đồng.
Hành lang pháp lý chưa đủ mạnh
Giai đoạn 2007-2009 được coi là giai đoạn bùng nổ hoạt động cho vay tiêu dùng ở Việt Nam khi các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài, cũng như các công ty tài chính tiêu dùng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng tràn lan, cộng với cho vay khu vực sản xuất gặp khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng của tổng dư nợ cho vay tiêu dùng năm 2007 lên tới 67%.
Song trước ảnh hưởng từ những khó khăn của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, cho vay tiêu dùng đã tạm lắng xuống trong các năm 2009-2010. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, hoạt động cho vay tiêu dùng đang có xu hướng được đẩy mạnh.
Từ chỗ chỉ có một công ty tài chính tiêu dùng đầu tiên năm 2007 là Prudential Finance (100% vốn nước ngoài), đến nay đã có hàng loạt doanh nghiệp, tổ chức như: Công ty tài chính Việt (Sociéte Generale Viet Finance), Công ty tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam (Home Credit), Công ty tài chính TNHH HD SAISON (HD SAISON), Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit), Công ty tài chính quốc tế Việt Nam JACCS (JACCS International Vietnam Finance), Công ty tài chính Mirae Asset (Mirae Asset Finance) và Công ty tài chính Toyota (Toyota Financial Services Vietnam). Chưa kể hàng loạt ngân hàng thương mại cũng tham gia hoạt động cho vay tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam còn thiếu một hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng nói riêng và cho hoạt động cho vay tiêu dùng nói chung. Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, để phát triển cho vay tiêu dùng, điều đầu tiên là phải hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động này. Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã có hiệu lực hơn 2 năm nay với nhiều thay đổi và quy định mới cho các loại hình tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam, nhưng các văn bản pháp luật hướng dẫn vẫn đang trong quá trình soạn thảo.
Thế nên trên thực tế, các công ty tài chính tiêu dùng vẫn hoạt động theo những văn bản pháp luật cũ còn hiệu lực. Cụ thể, hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng đang áp dụng theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN về quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Tuy nhiên, những quy định trong Quy chế này lại chưa rõ ràng, chưa tách biệt được cho vay tiêu dùng với cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh…
Còn theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, lãi suất cho vay cũng là một vấn đề vướng mắc, cần được minh bạch hơn để đảm bảo lợi ích cho cả tổ chức tín dụng và người đi vay./.