Giá hàng hóa, phí vận chuyển ngày càng "leo đỉnh"

Theo báo cáo tổng quan thị trường giá cả tháng 4/2021, Tổng cục Thống kê cho biết, có 6 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất so với tháng trước, với 0,87%, do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14% so với tháng trước. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình cũng tăng 0,11%. Ngoài ra là các nhóm giáo dục (tăng 0,03%), thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,01%). Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07%...

Hiện tại, không chỉ có giá sắt thép, xi măng, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi... mà một loạt các loại phí dịch vụ vận tải biển, phí hàng không... cũng tăng cao.

Cụ thể, các mặt hàng vật liệu xây dựng từ sắt thép đến cát, xi măng, gạch đá... đều tăng chóng mặt khiến không ít doanh nghiệp lao đao.

Các mặt hàng vật liệu xây dựng tăng chóng mặt.
Các mặt hàng vật liệu xây dựng tăng chóng mặt.

Từ cuối năm 2020, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thép như: Thép Hòa Phát, thép Thái Nguyên, thép miền Nam, Pomina, Việt Đức, Tungho, Kyoei... đã bắt đầu tăng giá bán thép các loại. Đặc biệt, từ đầu tháng 4 đến nay, giá thép được liên tục điều chỉnh báo giá, có khi trong 1 tuần thay đổi vài lần giá bán. Đà tăng của giá nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh khiến cho cổ phiếu nhóm ngành xây dựng trong vòng 1 tháng trở lại đây sụt giảm mạnh.

Giá thép hiện nay tăng khoảng 40 - 45% so với quý 3/2020, trong khi giá xi măng đang tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn, còn giá cát tăng gần gấp đôi do nguồn cung không đủ cầu.

Thị trường thép, vật liệu xây dựng được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, giá cả nguyên vật liệu và thép thành phẩm trên thế giới sẽ có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới trên thị trường toàn cầu và nội địa.

Ngoài ra, các loại phí dịch vụ vận tải biển, phí hàng không... cũng đang tăng chóng mặt.

Cụ thể, Baltic Dry Index là một chỉ số do Sàn Giao dịch Baltic (trụ sở tại London, Anh) công bố hàng ngày để theo dõi cước vận tải biển đối với các mặt hàng nguyên liệu thô như quặng sắt, than, xi măng, ngũ cốc,... Mới đây, chỉ số Baltic Dry Index đã chạm mức đỉnh một thập kỷ, tăng hơn 700% kể từ tháng 4 năm ngoái.

Theo ngân hàng đầu tư Platou Securities, các tàu cỡ lớn (capesize) - loại to nhất với trọng tải toàn phần trung bình đạt 180.000 tấn, đang có cước phí khoảng 41.500 USD/ngày nếu doanh nghiệp thuê tàu ngay lập tức. Con số này tăng gần gấp đôi so với một tháng trước và gần gấp 8 lần mức trung bình năm 2020.

Một số hãng tàu lớn quốc tế như Hapag-Lloyd, CMA CGM, MSC... lại “đánh tiếng” sẽ tăng một số loại phí liên quan dịch vụ vận tải biển từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6. Chẳng hạn phí tăng giá chung, phí hàng khô, hàng vượt khổ, phụ phí mùa cao điểm mới, cước vận chuyển hàng hóa các loại... trên một số tuyến vận tải biển quốc tế, trong đó có tuyến huyết mạch từ Việt Nam sang Mỹ, mức tăng từ 300 - 1.000 USD/container.

Chuyên gia phân tích Petter Haugen tại công ty tư vấn Kepler Cheuvreux dự báo cước phí vận tải của các tàu cỡ lớn có thể chạm ngưỡng 100.000 USD/ngày trong nửa cuối năm 2021.

Ngoài ra, Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) vừa qua vừa báo tăng phí quản trị hệ thống thêm 100.000 đồng/chặng, áp dụng trên tất cả các chuyến bay nội địa, đối với tất cả các nhóm giá vé.

Sau đó, Bamboo Airways cũng tăng phí quản trị hệ thống thêm 90.000 đồng/chặng đối với vé lẻ và vé đoàn. Việc này khiến giá vé máy bay rơi vào tình trạng thuế phí cao hơn tiền vé.

Tại thị trường thức ăn chăn nuôi, mới đây, thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, các đại lý thức ăn chăn nuôi khu vực miền Nam... cho biết, các doanh nghiệp lớn cung ứng thức ăn chăn nuôi như Cargill, C.P, Vina, ADM, ABC Việt Nam... liên tục có thông báo gửi khách hàng tăng giá bán thức ăn.

Tính từ đầu năm đến nay, các hãng cung cấp thức ăn chăn nuôi đã có cả chục thông báo tăng giá, trung bình mức tăng mỗi lần từ 300 - 400 đồng/kg. Bộ NN-PTNT cho biết giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay đã tăng cao nhất đến 30% và dự báo tiếp tục tăng trong quý 2. Còn theo tính toán thực tế của các đại lý, nhiều sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng đến 35 - 40%.

Bên cạnh đó, giá dầu cũng tăng mạnh, phục hồi lên mức trước đại dịch trên 65 USD/thùng kể từ đầu năm. Giá dầu tăng cao kéo theo xu hướng tăng giá của khí gas tự nhiên, dầu đốt… Giá một loại nhiên liệu khác là than đá cũng tăng mạnh.

Phí, giá hàng hóa tăng vọt cảnh bảo nguy cơ lạm phát

Trước tình hình giá thép leo đỉnh, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam vừa kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các Bộ ngành liên quan kiểm tra nguyên nhân giá thép tăng.

Văn phòng Chính phủ mới đây phát thông báo yêu cầu tìm hiểu chặn đường tăng giá sắt thép, ưu tiên sắt thép cho thị trường nội địa và giữ bình ổn giá xăng dầu... Với nguy cơ các loại phí dịch vụ cảng biển có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, Phó giám đốc Công ty TNHH SeaAir Global, ông Nguyễn Lý Trường An, cho rằng Việt Nam chủ yếu đi nội địa và tuyến ngắn khu vực Đông Nam Á, không có tuyến quốc tế, nên phải chấp nhận bị thao túng về giá bởi các hãng tàu thế giới là điều dễ hiểu.

Từ hàng hóa đến các loại phí dịch vụ tăng khiến nỗi lo nền kinh tế đang đối diện nguy cơ lạm phát.

Hàng hóa và nhiều loại phí tăng mạnh.
Hàng hóa và nhiều loại phí tăng mạnh.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, giá một số nhóm hàng hóa tăng cao như thép chẳng hạn hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Điều cần làm là tiếp cận từng nhóm hàng, bên cạnh thép, để thấy được nguyên nhân. Nếu nguyên nhân hợp lý và mức tăng vừa phải thì chưa có gì đáng lo ngại còn nếu là rủi ro kinh tế thì cần được báo động.

Chuyên gia kinh tế PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, năm 2021, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ có những bước phục hồi và phát triển nên nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, về vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa sẽ tăng cao.

Ông Thịnh cho rằng, Việt Nam cần thực hiện tốt, đồng bộ nhiều biện pháp như có các cơ chế theo dõi, quản lý giá thường xuyên giữa các cơ quan có liên quan, đồng thời tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, lạm phát xảy ra khi việc tăng giá diễn ra trên tất cả các thị trường hàng hóa, dịch vụ... Thực tế, nhìn qua đời sống, giá cả nhiều mặt hàng đã tăng nhưng chỉ mang tính cục bộ. Cùng với đó, do sức mua chưa hồi phục nên mức độ tăng đang tạm thời được kìm hãm. Tuy xảy ra cục bộ nhưng tích lũy dần, khi xảy ra ở tất cả các nơi sẽ dẫn tới lạm phát.

Ông Thành cũng cho biết thêm, dư địa kiểm soát lạm phát hiện nay của Việt Nam không còn nhiều vì nếu như thừa nhận có lạm phát, Chính phủ buộc phải có chính sách thắt chặt tiền tệ và điều chỉnh giá cả thị trường của nhiều tuyến. Như vậy sẽ làm khó cho các doanh nghiệp còn đang “thoi thóp”, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán cũng sẽ bị ảnh hưởng, doanh nghiệp đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Tuy nhiên, vẫn buộc phải triển khai các chính sách vì nếu lạm phát bùng lên ở diện rộng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp, giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt, càng để lâu càng khó chữa.

Theo Thanh Thư/Congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/gia-hang-hoa-phi-dich-vu-ngay-cang-leo-dinh-nguy-co-lam-phat-post133521.html