Tại miền Bắc, giá heo hơi hôm nay giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg tại nhiều địa phương. Trong đó, thương lái tại Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang hiện đang thu mua heo hơi ở cùng mức 53.000 đồng/kg, hạ nhẹ một giá.

Giá heo hơi liên tục giảm.
Giá heo hơi liên tục giảm.

Cùng mức giảm trên, heo hơi tại Hà Nội đang được giao dịch ở mức 52.000 đồng/kg. Các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Hưng Yên, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Nam và Ninh Bình cùng giảm 2.000 đồng/kg xuống còn 52.000 - 53.000 đồng/kg. Sau khi giảm 3.000 đồng/kg, tỉnh Thái Bình điều chỉnh giá thu mua xuống còn 52.000 đồng/kg.

Khu vực miền Trung, Tây Nguyên chứng kiến giá heo hơi giảm từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg. Theo đó, giá heo hơi tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh hiện đang ở mức 52.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá được ghi nhận tại tỉnh Quảng Ngãi sau khi giảm 2.000 đồng/kg.

Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa cùng giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống mức 54.000 đồng/kg, ngang bằng với Ninh Thuận.

Giá heo hơi miền Nam giảm 1.000 đồng/kg ở một vài nơi. Cụ thể, Bình Phước, TP HCM, Tây Ninh và An Giang cùng đưa giá thu mua về mức 53.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại không ghi nhận biến động mới về giá so với ngày hôm qua.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, thị trường chăn nuôi toàn cầu sẽ tăng trở lại vào những tháng cuối của năm 2022 do các nước cơ bản đã khống chế được dịch, thực hiện chính sách mở cửa an toàn, sống chung với dịch.

Nếu dự báo này đúng, chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi sẽ dần trở lại như trước khi có dịch, giúp giá thức ăn xuống thấp theo đúng giá trị, chi phí vận chuyển hàng hóa giảm, nguồn lao động ngành chăn nuôi dồi dào…Có thể nói đây là cơ hội lớn nhất, quan trọng nhất của ngành chăn nuôi toàn cầu nói chung và ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng trong năm 2022.

Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi sẽ thuận lợi hơn trước đây do các nước tham gia Hiệp định CPTPP và EVFTA bắt buộc phải mở của thị trường đối với nhiều sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm đã qua chế biến.

Mặt khác, do đã có vài năm chuẩn bị, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đã sẵn sàng cho xuất khẩu sản phẩm, ví dụ như: Tập đoàn C.P. Việt Nam, Hùng Nhơn, thương hiệu Meat Deli, Nutri Mart…

Thêm một tín hiệu tích cực nữa hỗ trợ công tác xuất khẩu đó là số lượng doanh nghiệp tham gia có xu hướng tăng dần. Kết thúc năm 2021, cả nước có gần 300 doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu, trong đó có khoảng 130 doanh nghiệp quy mô công nghiệp với hệ thống dây chuyền hiện đại, tăng hơn 12% so cùng kỳ năm 2020.

Một yếu tố nữa hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam trong năm 2022 đó là nhu cầu và giá các loại thịt dự báo sẽ tăng trên thị trường toàn cầu. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), giá thịt gia cầm và cá dự kiến sẽ tăng 5 - 6%, thịt bò tăng 7,5 - 8,5%, thịt heo tăng 7 - 8%.

Sự hỗ trợ của chính quyền thông qua các chính sách, quy định đã và đang phát huy có hiệu quả. Thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg của Thủ tướng về phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Dự thảo Nghị định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định 57/2018/NĐ-CP, trong đó các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi được hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng/dự án.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 7 năm tiếp theo. Nếu Nghị định này được ban hành sẽ là một cú hích lớn thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.

Theo Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/gia-heo-hoi-1911-keo-dai-xu-huong-giam-312720.html