Hiện tại, sau khi tăng nhẹ một giá, thương lái tại Hưng Yên đang thu mua heo hơi với giá 54.000 đồng/kg.
Heo hơi tại Thái Nguyên đang được giao dịch với giá cao nhất khu vực là 55.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. Ở chiều ngược lại, tỉnh Vĩnh Phúc giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống còn 52.000 đồng/kg, cùng với Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội và Ninh Bình. Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 52.000 - 55.000 đồng/kg.
Thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên tăng giảm không đồng nhất từ 1.000 đồng/kg đến 4.000 đồng/kg.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng hạ nhẹ một giá xuống còn 52.000 đồng/kg. Sau khi giảm 2.000 đồng/kg, thương lái tại Đắk Lắk đang giao dịch heo hơi với giá thấp nhất khu vực là 51.000 đồng/kg.
Trong khi đó, Nghệ An và Hà Tĩnh cùng điều chỉnh giá thu mua lên mức 54.000 đồng/kg sau khi tăng 2.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại Bình Thuận ghi nhận tăng 4.000 đồng/kg lên mức cao nhất khu vực là 55.000 đồng/kg. Hiện tại, giá thu mua heo hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 51.000 - 55.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá heo hơi giảm 1.000 đồng/kg rải rác ở một vài nơi. Cụ thể, Vũng Tàu và Hậu Giang cùng điều chỉnh giao dịch xuống còn 52.000 đồng/kg, ngang giá với các tỉnh Long An, Cần Thơ, Trà Vinh và Sóc Trăng.
Ngoại trừ Kiên Giang và Cà Mau đang thu mua heo hơi lần lượt với giá thấp nhất và cao nhất khu vực là 51.000 đồng/kg và 55.000 đồng/kg, các tỉnh thành còn lại duy trì ổn định ở mức 53.000 đồng/kg. Giá heo hơi khu vực miền Nam hôm nay dao động trong khoảng 51.000 - 55.000 đồng/kg.
Ngành nông nghiệp đã yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương triển khai những giải pháp cân đối cung cầu, góp phần ổn định giá cả thị trường. Cùng với việc tái đàn, những ngày này, các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp đang tập trung phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc đàn vật nuôi nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) Nguyễn Văn Thanh, cùng với việc duy trì ổn định sản xuất với tổng đàn 3.000 heo giống, 17.000 heo thương phẩm, hợp tác xã đã ký kết hợp đồng với một số doanh nghiệp để bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Hiện tại, mỗi ngày hợp tác xã bán ra thị trường khoảng 200 con heo thịt, dịp Tết Nguyên đán có thể tăng 10 - 15%.
Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi đang tích cực tái đàn, chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán thuốc thú y giả, thuốc thủy sản qua mạng ngày càng phổ biến, chưa được quản lý, không bảo đảm điều kiện theo quy định của pháp luật; sử dụng kháng sinh nguyên liệu trực tiếp để phòng và trị bệnh, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn số 7499 về việc tăng cường quản lý, buôn bán sử dụng thuốc thú y thủy sản trong nuôi trồng thủy sản.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quản lý có hiệu quả hoạt động buôn bán, vận chuyển, sử dụng thuốc thú y, các sản phẩm hóa chất, sinh học xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở buôn bán thuốc thú y, các sản phẩm hóa chất, sinh học xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; tổ chức lấy mẫu kiểm tra chất lượng, thu hồi, tiêu hủy và xử lý các hành vi vi phạm…
Giao các cơ quan chức năng của địa phương thành lập các chuyên án, điều tra, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng thuốc thú y, nhất là kháng sinh không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc cấm sử dụng, thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.
Kiểm tra, thanh tra, điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán bất hợp pháp thuốc thú y trên mạng xã hội, qua hình thức trực tuyến; các trường hợp vi phạm quy định về tiếp thị, bán trực tiếp thuốc thú y.
Chỉ đạo cơ quan thú y, thủy sản tăng cường công tác quản lý vùng nuôi, cơ sở nuôi; hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản các quy trình nuôi an toàn dịch bệnh; không lạm dụng kháng sinh, không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc y tế, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, trách nhiệm trong buôn bán, sử dụng thuốc thú y có nguồn gốc rõ ràng, được phép lưu hành tại Việt Nam.
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/gia-heo-hoi-ngay-2211-tang-giam-trai-chieu-o-khap-cac-dia-phuong-313122.html