Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành rửa dạ dày, lọc máu và chuyển người bệnh đến bệnh viện điều trị chuyên sâu về chống độc. Tuy nhiên theo thống kê, có đến 90% số người bệnh không qua khỏi.
Đáng báo động, trong số ca nhập viện do tự tử bằng thuốc diệt cỏ tại bệnh viện có những trường hợp còn rất trẻ, nhỏ tuổi nhất chỉ mới 11 tuổi và có cả phụ nữ đang mang thai.
Hình minh hoạ
Theo các bác sĩ, thuốc diệt cỏ được xếp vào nhóm chất cực độc, khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương tất cả cơ quan, suy hô hấp, suy gan, suy tạng, bệnh sẽ tiến triển nặng dần và không thể hồi phục.
Việc cứu chữa những người ngộ độc Paraquat khó thành công, bởi sau khi uống vào cơ thể, phổi hút rất nhanh và rất mạnh chất độc Paraquat, khiến bệnh nhân khó thở, phải thở oxy. Nhưng oái oăm là khi oxy kết hợp với Paraquat sẽ lại tạo thành chất rất độc, làm phổi càng tổn thương nặng hơn, xơ cứng lại, khiến cho nạn nhân càng khó thở và việc cấp cứu thêm khó khăn.
Đa số các bệnh nhân tử vong trong vòng 1 tuần đến 3 tháng, một số tử vong trong 3 ngày đầu. Số bệnh nhân còn lại chỉ chừng 10%, cũng sẽ bị xơ phổi trong thời gian tiếp theo và có thể tử vong. Rất ít người sống sót sau khi uống Paraquat, thường là những người uống ít và đến bệnh viện trong vòng 2 tiếng sau khi uống, được gọi là “thời gian vàng”.
Tuy nhiên, những người may mắn thoát khỏi tử thần thì cuộc đời còn lại cũng không dễ dàng vì di chứng về phổi và nhiều cơ quan nội tạng khác để lại rất nặng nề. Chưa kể chi phí điều trị rất cao do phải dùng nhiều loại thuốc thải độc và lọc máu. Trong đó, riêng chi phí lọc máu tới cả trăm triệu đồng. Rất hiếm người đã bị ngộ độc Paraquat mà sức khỏe còn biến chuyển tốt những năm tháng còn lại.
Đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị cho người bệnh khi uống phải thuốc diệt cỏ. Dù được điều trị tích cực, lọc máu, nhưng 70 - 90% người bệnh sẽ không thể qua khỏi nếu uống từ 50 ml thuốc diệt cỏ trở lên.