Theo các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn), các bệnh nhân nghi bị ngộ độc nấm gồm bà Hoàng Thị L. (48 tuổi, trú tại xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), cùng 2 con là chị Vi Thị P. (22 tuổi) và cháu Vi Văn N (15 tuổi).
Các bệnh nhân này vào viện với cùng một triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, nôn và đi ngoài. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nấm. Rất may bệnh nhân đến viện sớm và được các bác sĩ xử trí kịp thời nên hiện tại, sức khỏe của 3 bệnh nhân ổn định.
Trước đó, bà L. lên rừng phát hiện nhiều nấm và đã hái về ăn. Sau ăn khoảng 10 phút, cả 3 mẹ con có biểu hiện trên và được người nhà đưa vào viện. Chị L cho biết, cây nấm gia đình chị ăn có màu trắng xám và hình dạng rất giống nấm thường nên chị không nhận biết được là nấm độc.
Một trong 3 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn nghi do bị ngộ độc nấm hái trên rừng về ăn.
Các bác sĩ cho hay, do đang vào mùa mưa, các loại nấm phát triển mạnh, nên một số người dân hái về sử dụng, làm tăng nguy cơ ngộ độc. Thông thường, nấm độc có màu sắc sặc sỡ và có đốm màu trắng, đen, đỏ nổi trên mũ nấm.
Nấm độc có mùi thơm, khi ngắt sẽ có nhựa chảy ra. Những loại nấm có phần gốc phình to giống củ hầu hết là nấm độc. Một số loại nấm độc có màu sắc và hình dạng giống với nấm thường nên rất dễ gây nhầm lẫn.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi có biểu hiện ngộ độc nấm, bệnh nhân cần nhanh chóng gây nôn, càng sớm càng tốt. Người bệnh cần uống nhiều nước, tốt nhất là dùng oresol. Sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Chú ý đưa cả những người cùng ăn nấm đến cơ sở y tế dù chưa có biểu hiện ngộ độc.
Để phòng ngừa ngộ độc nấm, tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại, kể cả các loại nấm có màu sắc và hình dáng giống với nấm thường. Chỉ sử dụng các loại nấm biết rõ nguồn gốc và biết chắc chắn đó là loại ăn được. Các loại nấm ăn được nên chế biến khi còn tươi, nếu để ôi thiu, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.