Bước sang ngày thứ 21 thực hiện cách ly xã hội, tình trạng vi phạm có chiều hướng gia tăng do nhiều người dân Hà Nội lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19 khi ra đường không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách tối thiểu 2m, tụ tập đông người… Hiện diễn biến của dịch Covid-19 vẫn phức tạp, bên cạnh việc nâng cao ý thức của người dân, đòi hỏi các địa phương, cơ quan chức năng tiếp tục duy trì công tác phòng, chống dịch chặt chẽ, sát sao hơn.

Không tuân thủ quy định về cách ly xã hội, người dân tụ tập trên vỉa hè tại phố Ngô Xuân Quảng (xã Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm), ngày 21-4.

Nội thành: Tâm lý chủ quan xuất hiện khắp nơi

Sáng 21-4, sau 5 ngày liên tục Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19, cũng như có thông tin có thể “nới lỏng” các yêu cầu cách ly xã hội kể từ ngày 23-4, điều dễ nhận thấy trên các trục đường chính và khu dân cư của các quận: Long Biên, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy… là tâm lý chủ quan của người dân. Bên cạnh việc nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu mở cửa, người dân ra đường đông hơn so với những ngày trước đó, thậm chí nhiều người không đeo khẩu trang, không thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu 2m...

Điển hình là tại chợ Phúc Lợi (phường Phúc Lợi, quận Long Biên), một số người bán hàng không đeo khẩu trang, nhiều người dân không giữ khoảng cách an toàn, túm tụm mua hàng. Xung quanh khu chợ này, một số cửa hàng sửa xe máy, bán hoa tươi, sim thẻ, sửa chữa điện thoại, cắt tóc... mở cửa đón khách.

Tại khu vực cổng sau chợ Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) đến phố Trần Bình, khu chợ giết mổ gia cầm sống "mọc" ngay trên vỉa hè với hàng chục lồng gà, chim, ngan, vịt... xếp dọc lối đi. Tại quận Hai Bà Trưng, trước cửa số nhà 21 Hàn Thuyên (phường Phạm Đình Hổ), ngõ 16 Tạ Quang Bửu (phường Bách Khoa) cửa hàng hoa vẫn mở cửa. Trạm xe buýt cuối phố Tăng Bạt Hổ trở thành nơi người dân tập trung cắt tóc.

Đặc biệt, trên địa bàn quận Cầu Giấy, "chợ lao động" hoạt động công khai ngay dưới gầm cầu vượt tại nút giao Hoàng Quốc Việt - đường Bưởi. Hàng chục lao động đứng tập trung chờ khách, xe máy để ngổn ngang dưới lòng đường, đeo khẩu trang không đúng quy cách…

Ngoại thành: Tăng cường kiểm tra, nhắc nhở

Tại khu vực ngoại thành, hiện tượng người dân chủ quan, ra đường không đeo khẩu trang, nhiều hàng quán không thiết yếu mở cửa… cũng diễn ra, trong khi lực lượng chức năng của các địa phương liên tục kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm.

Sáng 21-4, trên các trục đường: 21B, 419 đi qua các huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức… khá đông người đi lại, nhiều cửa hàng mở cửa… Tuy vậy, sau đó, lực lượng chức năng các địa phương tăng cường tuần tra, tích cực tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý vi phạm quy định về cách ly xã hội.

Về việc trên địa bàn xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) có nhiều cửa hàng không thiết yếu mở cửa, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy Vũ Bá Tình cho biết, trong 2 ngày gần đây, có tình trạng một số hộ lén lút mở cửa hàng nên chính quyền xã kiên quyết yêu cầu ký cam kết không mở cửa hàng trong thời gian cách ly xã hội. Bên cạnh đó, xã đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND huyện Thanh Oai ra quyết định xử phạt 1 trường hợp vi phạm mở cửa hàng trong thời gian cách ly xã hội và xử phạt 13 trường hợp không đeo khẩu trang với tổng số tiền 2,6 triệu đồng.

Tương tự, tại địa bàn thị xã Sơn Tây, lực lượng Công an thị xã đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, đồng thời nhắc nhở chủ cửa hàng không bày hàng ra vỉa hè; lập biên bản nhắc nhở một số trường hợp đi dạo trên vỉa hè Thành Cổ.

Trong khi đó, chiều 21-4, trên địa bàn huyện Đan Phượng, người dân thực hiện tương đối nghiêm quy định của thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy vậy, trên tuyến quốc lộ 32 - đoạn qua địa bàn huyện và một số đường trục xã, thôn trên địa bàn các xã vẫn còn số ít trường hợp chưa tuân thủ quy định về cách ly xã hội như ra đường không đeo khẩu trang, còn mở cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu...

Theo Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thành Lý: “Huyện đang đôn đốc các xã, thị trấn kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Tính đến nay, toàn huyện đã xử phạt tổng cộng 528 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và cũng là một trong những địa phương có số trường hợp xử phạt cao so với các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội”.

Chuyển biến nhờ sát sao nhắc nhở, xử lý vi phạm

Cũng trong ngày 21-4, một số địa bàn đã có chuyển biến tích cực sau khi Báo Hànộimới phản ánh. Điển hình như dãy cửa hàng rửa xe đầu phố Võ Thị Sáu - Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) đã không còn hoạt động khi Công an phường Thanh Nhàn tổ chức cắm chốt ở khu vực này. Tại huyện Thạch Thất, ý thức chấp hành các quy định về giãn cách xã hội cải thiện đáng kể. Các hộ kinh doanh không thiết yếu tại tỉnh lộ 419 đoạn qua thị trấn Liên Quan phần lớn đã đóng cửa.

Đáng chú ý, sau phản ánh của Báo Hànộimới, một số cơ sở vi phạm từ những ngày trước trên địa bàn huyện Đông Anh đã không còn. Đơn cử như cửa hàng sửa xe tại khu xóm Bãi và cửa hàng cây cảnh trên đường Cao Lỗ đã đóng cửa.

Trong khi đó, khu vực cầu Long Biên thuộc địa bàn giáp ranh giữa quận Long Biên và quận Ba Đình mấy ngày qua có đông người đi tập thể dục hằng ngày. Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm Vũ Ngọc Hiệp cho biết: “Lực lượng chức năng sẽ tăng cường nhắc nhở, tuyên truyền để không xảy ra tình trạng tụ tập đông người, chủ quan không đeo khẩu trang”, ông Vũ Ngọc Hiệp nhấn mạnh.

Theo ông Dương Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa), nhận được phản ánh của Báo Hànộimới ngày 19-4, lực lượng chức năng thị trấn tăng tần suất tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định cách ly xã hội. Tính đến ngày 21-4, thị trấn đã xử phạt 37 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, ra đường khi không có việc cần thiết; lập hồ sơ đề nghị UBND huyện Ứng Hòa xử lý 1 cửa hàng cố tình vi phạm quy định...

Còn Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) Lê Văn Thiềng cho biết: “Các đoàn kiểm tra trong sáng 21-4 đã yêu cầu 30 cửa hàng tại thị trấn Đại Nghĩa đóng cửa; nhắc nhở 15 người ra đường khi không có việc cần thiết. Đối với các cửa hàng đồng thời là nhà ở, chúng tôi yêu cầu các hộ treo biển không bán hàng…”.

Cùng ngày, các chợ tạm, chợ “cóc” trên địa bàn quận Hà Đông, Thanh Xuân do có lực lượng nhắc nhở thường xuyên nên việc mua bán của người dân cơ bản bảo đảm khoảng cách 2m, không còn đông đúc như Báo Hànộimới phản ánh trước đó. Đặc biệt, tại hồ Văn Quán (quận Hà Đông), hiện tượng người dân tới đây tập thể dục hầu như chấm dứt. Trưởng Công an phường Văn Quán Phùng Văn Quang cho biết, các lực lượng của phường có 9 chốt trực ở 7 khu vực công cộng. Từ 14h đến 16h hằng ngày đều tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý những trường hợp cố tình vi phạm. Đến nay, toàn phường đã xử phạt 67 trường hợp không thực hiện yêu cầu về cách ly xã hội…

Sau hơn 20 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cuộc sống sinh hoạt, đi lại của người dân cả nước nói chung và Hà Nội ít nhiều đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt điều này, thành phố đã ngăn ngừa hiệu quả lây lan nhanh dịch bệnh trong cộng đồng và được người dân đồng tình ủng hộ.

Ông Nguyễn Văn Thơi, thôn Áng Thượng (xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức) bày tỏ: "Trong những ngày cách ly xã hội vừa qua, cuộc sống của gia đình tôi và người dân xung quanh có nhiều thay đổi. Con cái đi làm ăn ở các tỉnh không được về thăm nhà, vợ chồng chúng tôi cũng như nhiều gia đình khác chỉ ra đồng chăm sóc lúa, gà vịt, cá ở trang trại xong về nhà, hạn chế giao tiếp với hàng xóm, người thân quen. Nhưng tôi nghĩ điều đó là hết sức cần thiết để ngăn chặn các nguồn lây mới. Nhờ vậy, cũng như sự quyết liệt của chính quyền trong triển khai các biện pháp cách ly xã hội nên tình hình dịch bệnh mới chuyển biến tốt như hiện nay”.

Còn ông Đoàn Văn Hùng ở thôn Đồng Quang, xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên) cho biết: "Trong những ngày cả nước thực hiện cách ly xã hội, cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với sự đoàn kết, thông cảm, sẻ chia và đóng góp nghĩa tình của mỗi người dân, tổ chức, đơn vị... Nhờ đó, Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã khoanh vùng dịch để hạn chế sự lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn không thể chủ quan trước dịch bệnh".

Ông Nguyễn Anh Tài (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) nhìn nhận: “Những giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian qua của các cấp chính quyền cũng như sự hợp tác của hầu hết người dân tại Hà Nội đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp chúng tôi càng hy vọng sẽ sớm trở lại nhịp sống bình thường”.

Rõ ràng, dịch Covid-19 tại Hà Nội đang được kiểm soát. Dự kiến, hôm nay, 22-4, Chính phủ sẽ có những quyết định mới về thực hiện các quy định phòng, chống dịch trong giai đoạn sắp tới trong cả nước cũng như tại địa bàn Hà Nội. Nhưng dù thế nào thì vẫn cần nhìn nhận rằng, dịch Covid-19 trong khu vực và trên thế giới, thậm chí ngay ở Việt Nam cũng như Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là trên thế giới đã từng xảy ra nhiều trường hợp ủ bệnh lâu ngày mà không có triệu chứng hoặc tái nhiễm. Do vậy, ngoài việc cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch, người dân cần tiếp tục tuân thủ việc đeo khẩu trang nơi công cộng, không tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc… để công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Hà Nội đạt được hiệu quả cao nhất.

Xử phạt 10.991 trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19

Tính đến 17h ngày 21-4, báo cáo của 30 quận, huyện, thị xã cho thấy, từ ngày 1-4 đến nay, các địa phương đã xử phạt tổng cộng 10.991 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Các địa phương có số trường hợp xử phạt cao thời gian qua là: Đống Đa (2.069 trường hợp), Nam Từ Liêm (790 trường hợp), Hoàng Mai (655 trường hợp), Đan Phượng (525 trường hợp)... Các lỗi vi phạm chủ yếu bị xử phạt là do mở cửa bán hàng ở những cơ sở kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu, không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ra ngoài đường không có lý do cấp thiết...


Theo Hà Nội Mới