Từ đầu năm đến nay, nhằm hỗ trợ đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, liên Bộ Công thương - Tài chính đã 8 lần liên tiếp điều chỉnh giảm giá bán các mặt hàng xăng dầu trong nước.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giá xăng E5RON92 đã giảm từ mức gần 20.000 mỗi lít về mức 10.942 đồng/lít; tương tự, giá xăng RON95-III cũng từ mức trên 20.000 đồng/lít cũng đã giảm về mức 11.631 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng giảm giá mạnh, tương đương chỉ bằng nửa mức giá hồi đầu năm.
Đáng nói, mặc dù giá xăng dầu giảm kỷ lục nhưng cước vận tải vẫn neo cao, thậm chí là tăng trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhà xe Hải Hà (tuyến Hậu Lộc, Thanh Hóa đi Bến xe Giáp Bát, Hà Nội) đã tăng giá vé lên 120.000 đồng/lượt, trong khi ngày bình thường chỉ 100.000 đồng/lượt. Trong khi đó, nhà xe Minh Quý (tuyến Hậu Lộc, Thanh Hóa đi Bến xe Nước Ngầm, Hà Nội) không tăng so với ngày thường, vẫn 100.000 đồng/lượt.
Lý giải nguyên nhân không giảm giá vé xe dù giá xăng dầu giảm kỷ lục, đại diện nhà xe Minh Quý lại bất ngờ so sánh với các nhà xe khác. "Anh có thử hỏi nhà xe Hải Hà xem họ có giảm không, họ còn tăng lên 120.000 đồng một người. Chúng tôi không tăng giá vé là được rồi", nhân viên nhà xe Minh Quý cho biết.
Tương tự, nhà xe Ngân Hà (tuyến Lai Châu - Hà Nội) không những không giảm giá vé xe khách mà còn tăng lên mức 300.000 đồng/lượt, tăng 50.000 đồng so với ngày thường.
"Lúc xăng dầu tăng giá họ lấy cớ để tăng giá cước nhưng đến khi giá xăng dầu giảm thì họ cũng giảm giá cước với lý do mới hoạt động trở lại sau dịch bệnh, bù lại chi phí những ngày không hoạt động'', anh N.V.H chia sẻ.
Liên quan đến việc này, đại diện Công ty quản lý bến xe Hà Nội xác nhận, hiện các nhà xe đã được chạy 100% số chuyến đăng ký nhưng các nhà xe đều giữ nguyên giá như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh, chưa có đơn vị nào đăng ký tăng hay giảm giá.
"Mặc dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng các nhà xe cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Họ vừa mới được quay lại hoạt động sau thời kỳ dịch bệnh mà lại đúng dịp nghỉ lễ, nhu cầu đi lại tăng cao nên việc giảm giá vé là khó, nếu có giảm thì chắc phải chờ sau kỳ nghỉ lễ'', vị này nhận định.
Trao đổi với báo chí, đại diện Hiệp Hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng khó có chuyện giảm được cước thời điểm này, dù giá xăng dầu có giảm, bởi doanh nghiệp vận tải cũng còn chịu rất nhiều chi phí, trong đó có cả chi phí phòng chống dịch bệnh.
"Các doanh nghiệp vận tải đã bị giảm sút mạnh về doanh thu khi nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa giảm mạnh trong thời gian qua nhưng các chi phí cố định, thường xuyên của doanh nghiệp lại không giảm nên việc giảm giá cước vận tải cũng khó'', vị này nhận định.
Mới đây, Hiệp Hội vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải cho biết, vận tải ô tô là chuyên ngành kinh tế quan trọng, với lực lượng hàng vạn doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải là trên 800.000 xe và 1,2 triệu lao động. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã có tác động, ảnh hưởng rất sớm, trực tiếp và nặng nề cho ngành vận tải ô tô. Với vận tải hành khách các đơn vị kinh doanh ngừng hoạt động, các đơn vị vận tải hàng hóa giảm 50 ÷ 60%.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam muốn Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính xem xét giảm 50% phí giao thông thu trên đầu phương tiện, lý do là phương tiện ngừng hoặc giảm hoạt động, ít gây hư hỏng đường và hiện đang rất khó khăn về nguồn thu; xem xét giảm mức phí BOT trên một số tuyến có mức thu phí cao. Đối với trường hợp người vận tải đã mua vé tháng nhưng bị ngừng hoạt động do dịch cúm thì cho kéo dài thồ gian sử dụng vé tháng với thời gian tương ứng sau khi phương tiện được hoạt động trở lại.