Giảm gánh nặng chi phí cho ngành hàng không

Năm 2020, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không trước tác động của dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 ngày 27/7/2020 và Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020.

Nghị quyết quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/8/2020 đến 31/12/2021 là 2.100 đồng/lít (giảm 30% so với quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14). Như vậy, kể từ ngày 1/1/2022, mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay quay về mức 3.000 đồng/lít.

Hàng không là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)
Hàng không là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Tài chính, hàng không là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19. Việc giảm 30% mức thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đã đem lại hiệu ứng tích cực nhất định cho ngành hàng không nói chung và doanh nghiệp vận tải hàng không nói riêng; Đảm bảo hỗ trợ đúng đối được chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19. Qua đó, giúp các doanh nghiệp vận tải hàng không giảm chi phí nhiên liệu đầu vào, duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn.

Theo báo cáo của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, việc thực hiện chính sách trên đã giúp doanh nghiệp giảm được 155 tỉ đồng thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2020 và dự kiến giảm được 164 tỉ đồng trong năm 2021.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là một chính sách phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước trong việc tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.

Mặt khác, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường của chính sách thuế do chỉ áp dụng trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, trong thời gian áp dụng chính sách, nhu cầu vận tải hàng không giảm, do đó sản lượng tiêu thụ nhiên liệu bay không tăng so với trước khi có dịch Covid-19.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ tháng 8/2020 đến hết tháng 9/2021 đã giảm 1.072 tỉ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước bao gồm thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng đối với nhiên liệu bay trong giai đoạn này cũng giảm 1.179 tỉ đồng.

Khoản giảm thu thuế bảo vệ môi trường chính là khoản hỗ trợ tài chính của Nhà nước để góp phần giảm gánh nặng chi phí của ngành hàng không vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đề xuất giảm 50% mức thuế trong năm 2022

Bộ Tài chính cho biết, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là khoản thu khi sử dụng nhiên liệu bay.

Tuy nhiên, thời gian qua, do thực hiện giãn cách xã hội nên ngành hàng không nói chung và các doanh nghiệp vận tải hàng không nói riêng phải hạn chế hoạt động, thậm chí có thời điểm ngành hàng không gần như đóng băng. Do đó, chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2021 chưa thể phát huy hết mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp.

Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2022. (Ảnh minh họa)
Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2022. (Ảnh minh họa)

Vì vậy, để phát huy hết mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp hàng không vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 trong giai đoạn tiếp theo, khi hoạt động kinh doanh trở về trạng thái bình thường mới, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết thực hiện chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2022.

Theo báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, dự kiến năm 2021, số chuyến bay sẽ tiếp tục giảm và lỗ năm 2021 sẽ lớn hơn khoản lỗ 16 nghìn tỷ đồng của năm 2020. Trong khi nguồn thu giảm mạnh thì mỗi tháng các hãng hàng không vẫn phải chi để trả tiền thuê máy bay, trả vay ngân hàng, trả cho các đối tác cung cấp đầu vào, duy tư bảo dưỡng, trả lương nhân viên... dẫn đến dòng tiền hoạt động của các hãng bị thiếu hụt.

Dự báo, trong thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, theo đó, ngành hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới bởi các doanh nghiệp hàng không đang đứng trước nguy cơ bị phá sản rất cao do tác động của Covid-19. Từ đó cũng sẽ gây ra nhiều hệ lụy kinh tế như: làm mất thương hiệu, hình ảnh hàng không quốc gia, đứt gãy mạng lưới bay trong nước và quốc tế...

Trước thực tế đó, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 1.500 đồng/lít, giảm 50% so với quy định hiện hành.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, trường hợp các đường bay được hoạt động như năm 2020 thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay giảm khoảng 1.725 tỉ đồng, từ đó làm giảm số thu ngân sách nhà nước khoảng 1.898 tỉ đồng (bao gồm thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng).

Trong trường hợp đường bay hoạt động như năm 2021, thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay giảm khoảng 1.260 tỉ đồng, từ đó làm giảm số thu ngân sách khoảng 1.386 tỉ đồng (bao gồm thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng).

Nếu tính toán trên cơ sở sản lượng nhiên liêụ bay tiêu thụ bình quân từ tháng 1/2020 đến tháng 9/2021 (tính chung cho giai đoạn từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay) là khoảng 80 triệu lít/tháng thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay giảm khoảng 1.440 tỉ đồng. Từ đó làm giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng) là khoảng 1.584 tỉ đồng.

Nhiên liệu bay là nhiên liệu đầu vào không thể thiếu để thực hiện các chuyến bay. Do đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ 3.000 xuống 1.500 đồng/lít sẽ góp phần trực tiếp giảm giá nhiên liệu bay, tác động giảm chi phí đầu vào của ngành hàng không, trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không duy trì hoạt động và tiếp tục phục hồi trong tương lai. Từ đó, góp phần gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác như: Thương mại, du lịch, dịch vụ...

Theo Kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/giam-toi-50-thue-bao-ve-moi-truong-voi-nhien-lieu-bay-vao-nam-2022-61411.html