Tăng trưởng xuất khẩu thủy sản giảm dần
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, mức tăng trưởng cao của thủy sản năm 2017 tăng trưởng gần 18%, nhưng những năm sau đó tăng trưởng XK thủy sản giảm dần.
Xuất khẩu hải sản cũng rơi vào tình thế tăng trưởng âm từ năm 2018 trở lại đây. Từ 2 thị trường năm 2017 tăng lên 4 thị trường năm 2018, đến nay chỉ còn thị trường Mỹ tăng trưởng dương. Cá ngừ chiếm 23% tổng sản phẩm XK thủy sản năm 2017, đến nay tỷ trọng này chỉ còn 18%.
Đáng chú ý, nguồn nguyên liệu nhập khẩu hải sản tăng cao theo từng năm, với mức từ 731 triệu USD năm 2016, lên 1,4 tỷ USD năm 2020 và 1,2 tỷ USD trong 9 tháng năm 2021. Trong đó, các mặt hàng nhập khẩu chế biến XK tăng cao nhất là cá ngừ, bạch tuộc...
Theo phân tích của các chuyên gia, bức tranh XK hải sản khả quan, nhưng nguồn nhập khẩu cũng rất lớn. Qua đó, cho thấy những khó khăn về nguồn nguyên liệu chế biến XK thủy, hải sản của các doanh nghiệp Việt Nam.
XK thủy sản sang EU từ năm 2017-2021 tăng trưởng giảm dần, đặc biệt đối với hải sản. Do đó, để gia tăng XK, doanh nghiệp phải chủ động được nguồn nguyên liệu chế biến. Chẳng hạn, mặt hàng nghêu không phải nhập khẩu, không nằm trong IUU, các doanh nghiệp đã chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước nên vẫn duy trì được mức tăng trưởng XK cao, với mức gần 60% trong 9 tháng năm 2021.
Theo dự báo của VASEP, trong tháng 10/2021 xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2020, với mức giảm từ 20-25%. Thủy sản xuất khẩu cả năm sẽ nỗ lực phấn đấu bằng mức của năm 2020 là 8,4 tỷ USD.
Các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý đều khẳng định, nếu Việt Nam sớm gỡ được thẻ vàng IUU, doanh nghiệp XK, thủy sản sẽ tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA, cơ hội phục hồi và hướng tới mục tiêu tăng XK thủy sản sang thị trường EU tới 1,2 - 1,4 tỷ USD trong những năm tới là hoàn toàn khả thi.
Cần các biện pháp tích cực để thúc đẩy tăng trưởng
Đánh giá kết quả sau 4 năm khắc phục thẻ vàng IUU, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, gần 100 nhà máy chế biến hải sản đã tham gia cam kết sử dụng nguyên liệu chế biến được khai thác hợp pháp, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên có tín hiệu trên hệ thống giám sát hành trình đối với trên 27.000 tàu.
Với kết quả vào cuộc của Chính phủ, của các bộ, ngành, sự nỗ lực của các doanh nghiệp hải sản, Ban quản lý các cảng cá, ngư dân... sau gần 4 năm triển khai thực hiện, phía EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị, nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.
EC cũng khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng; ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên về kết quả triển khai chống khai thác IUU.
Bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thanh tra, Tổng cục Thủy sản cho biết, từ khi bị "thẻ vàng", EC đã tổ chức 2 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam vào tháng 5/2018 và tháng 11/2019, năm 2020 có 2 lần trao đổi trực tuyến.
Qua các lần kiểm tra, trao đổi trên, EC đánh giá cao và thiện chí hợp tác, thông tin cung cấp minh bạch và trung thực của Việt Nam; khung pháp lý được hoàn thiện kịp thời. Kết quả triển khai các quy định về chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến hơn so với trước như kết quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, đánh dấu tàu cá đã có sự tiến bộ rõ rệt.
Nhận định mới nhất của EC đánh giá Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý tốt, nhưng việc thực thi pháp luật là một trong những tồn tại yếu nhất. Bởi số lượng tàu cá vi phạm về khai thác IUU bị xử phạt còn nhiều. Năm 2020, các cơ quản lý đã xử phạt xử phạt 2.700 vụ; từ đầu năm 2021 đến nay, có 1.500 lượt tàu cá vi phạm bị xử lý.
Nguồn: https://congluan.vn/vasep-go-the-vang-se-giup-tang-truong-nganh-xuat-khau-thuy-san-post163010.html