Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 với tổng kinh phí đề xuất khoảng 18.600 tỷ đồng nhằm hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì, mở rộng việc làm và hỗ trực tiếp người lao động gặp khó khăn.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hỗ trợ cơ sở sản xuất và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tạo, duy trì và mở rộng việc làm.
Đối tượng áp dụng gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ kinh doanh. Trong đó, ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu, hợp tác xã và hộ kinh doanh và người lao động tại khu vực nông thôn.
Mức vay tối đa theo quy định tại Nghị định số 74/2019/NĐ-CP đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh là 2 tỷ đồng, với người lao động là 100 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới. Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1/9/2020 đến ngày 1/9/2021. Lãi suất vay là 3,96%/năm lấy nguồn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với kinh phí hỗ trợ ước tính là 15.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi). Đối tượng áp dụng là người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm, hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng và 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi. Thời gian áp dụng từ tháng 9 đến tháng 12/2020 với kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng trích từ ngân sách địa phương.
Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giảm lãi suất vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Cụ thể, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ cận nghèo. Thời gian hỗ trợ lãi suất 12 tháng, áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh kể từ ngày 1/9/2020 đến ngày 1/9/2021.
Bộ LĐ-TB&XH cần đưa ra những kịch bản có "tầm nhìn xa" hơn
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hồng Dân - Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, đề xuất gói hỗ trợ lần 2 nếu được thông qua sẽ có ý nghĩa rất lớn, hỗ trợ trước mắt cho người lao động đang gặp hoàn cảnh khó khăn, đồng thời giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Theo ông Dân, với gói hỗ trợ lần 1, trong đó có chính sách lãi suất 0%/năm dành cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, cho đến nay hầu như doanh nghiệp chưa tiếp cận được do các quy định không sát thực tế. Vì vậy, ở gói hỗ trợ lần 2, cơ quan soạn thảo chính sách cần đưa ra các tiêu chí, điều kiện rõ ràng và cụ thể hơn.
Đối tượng chịu ảnh hưởng khi dịch bùng phát trở lại là người lao động trong các ngành du lịch, hàng không, dịch vụ, may mặc, da giày… Bên cạnh đó là những người làm việc trong các lĩnh vực bị cấm, tạm dừng hoạt động trong thời gian dịch bệnh như nhà hàng, giải trí… Kể cả giải pháp hỗ trợ người lao động bị mất việc có hoàn cảnh khó khăn, đang phải nuôi con nhỏ bằng tiền mặt chỉ là giải pháp tức thời trước mắt, Bộ LĐ-TB&XH cần đưa ra những kịch bản dài hơi hơn nữa, ông Dân lưu ý.
Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành cũng cho rằng, chính sách lần này cần phải có điểm nhấn và cần phải tách bạch rõ ràng những diện nào cần hỗ trợ. Chẳng hạn như cần phải ưu tiên hỗ trợ các đối tượng là những cá nhân và doanh nghiệp đã và đang bị tổn thương nhiều nhất bởi dịch bệnh như công nhân lao động, hộ nghèo, người thất nghiệp, lao động tự do…
Về đối tượng là doanh nghiệp, đó là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, là những doanh nghiệp hầu như không có nguồn lực dự trữ và khả năng tiếp cận các nguồn lực khác.
Đồng thời chính sách mới này phải tính đến việc tái cấu trúc nền kinh tế, tức là không chỉ giúp nền kinh tế nước ta vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay mà còn phải bắt nhịp được với các xu hướng cải cách, chuyển đổi như công nghệ 4.0, chuyển đổi số, dịch chuyển chuỗi giá trị hay dòng vốn đầu tư.
Đặc biệt, gói hỗ trợ lần này cần phải tính toán dài hơi hơn, bởi dịch bệnh sẽ còn kéo dài ít nhất là khoảng 1-2 năm nữa, ngay cả trường hợp khi sản xuất được vắc xin đại trà, TS Thành nhấn mạnh.