Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư là mục tiêu quan trọng hàng đầu của các cấp, ngành thành phố Hà Nội trong năm 2020. Dù đạt kết quả bước đầu đáng ghi nhận, song thành phố vẫn quyết tâm đặt ra các mục tiêu cao hơn, lấy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là dư địa cho phát triển, để từng bước hồi phục, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2020.
Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong tháng 5-2020, thành phố cấp phép cho 2.024 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn 24.793 tỷ đồng. Như vậy, 5 tháng đầu năm 2020, đã có 12.260 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 181.000 tỷ đồng gia nhập thị trường; tuy giảm 10% về số doanh nghiệp nhưng tăng 9% về vốn so với cùng kỳ năm 2019.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn tác động đến sản xuất, kinh doanh thì kết quả trên đáng ghi nhận, khẳng định nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư và quyết tâm đồng hành với doanh nghiệp của chính quyền thành phố Hà Nội.
Dẫn lại việc Hà Nội giữ vững thứ bậc 9/63 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa qua, nhưng đã tăng thêm 3,4 điểm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Phan Đức Hiếu nhận xét, với một đô thị lớn như Hà Nội, nơi luôn có số lượng doanh nghiệp hoạt động cao hàng đầu cả nước thì việc "chăm sóc" doanh nghiệp luôn đòi hỏi nhiều công sức hơn. Mặt khác cũng có thể thấy, Hà Nội còn nhiều dư địa cho cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn T&T, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Đỗ Quang Hiển xác nhận, môi trường đầu tư, kinh doanh của Thủ đô ngày càng hoàn thiện, gia tăng về chất lượng phục vụ và đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.
Còn bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail chia sẻ, cam kết hỗ trợ doanh nghiệp khai thông thị trường đã được thành phố Hà Nội cụ thể hóa thông qua hoạt động kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp phân phối và cơ sở sản xuất của các tỉnh, thành phố.
“Thông qua tuần hàng nông sản vừa được thành phố Hà Nội tổ chức ngày 30-5, Central Retail đã tìm kiếm thêm nhà cung cấp mới, đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa đặc sản vùng miền. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân có cơ hội hợp tác lâu dài, ổn định với các đơn vị phân phối của Tập đoàn như Big C, Lan Chi Mart”, bà Nguyễn Thị Phương thông tin.
Kiên trì cải cách hành chính
Dù đã gặt hái những kết quả đáng ghi nhận, nhưng thành phố Hà Nội không thỏa mãn mà càng quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, với các nhóm công việc chính là cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp và chia sẻ cơ hội đầu tư.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, thành phố phấn đấu dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) theo hướng tiếp tục cao hơn mức trung bình cả nước trong năm 2020. Trong các giải pháp cắt giảm thủ tục không cần thiết, thành phố đặt mục tiêu đến ngày 30-6 sẽ có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và bảo đảm kết nối 250 dịch vụ với Cổng dịch vụ công quốc gia.
“Sở Nội vụ sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra thái độ phục vụ và việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp”, bà Vũ Thu Hà thông tin.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, bên cạnh việc duy trì mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”, thực hiện Đề án hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo…, thành phố Hà Nội triển khai tích hợp 4 dịch vụ tiện ích hỗ trợ doanh nghiệp giảm thời gian khởi sự kinh doanh. Các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, điện đều chú trọng giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đơn cử như 100% hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng; 98% hồ sơ kê khai và nộp thuế điện tử; cấp mã số doanh nghiệp tự động cho doanh nghiệp thành lập mới cũng không quá 30 phút...
Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết, Sở sẽ triển khai 18 chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, Sở đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, phấn đấu khởi công 19 cụm công nghiệp trong quý III-2020 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ về hội nghị đầu tư và phát triển năm 2020, dự kiến tổ chức cuối tháng 6 này, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, UBND thành phố đã giao các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại vụ, Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội… phối hợp chuẩn bị. Trong đó, nội dung trọng tâm là tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt cơ hội đầu tư, kinh doanh. Dự kiến, tại sự kiện, thành phố giới thiệu, kêu gọi đầu tư, trao chủ trương đầu tư cho 100 dự án, với nguồn vốn trong nước khoảng 330.000 tỷ đồng, nguồn vốn nước ngoài khoảng 3,5 tỷ USD.
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được xác định là một trong những đột phá của thành phố. Với dư địa còn nhiều, Hà Nội đang đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đây là động lực để Thủ đô phát triển bền vững.