Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy Viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02 chủ trì buổi làm việc với Đoàn.
Phấn đấu có thêm 700 sản phẩm OCOP
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Mặc dù năm 2020, tình hình dịch tả lợn Châu Phi và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp song giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy dản 6 tháng đầu năm tăng 1,61%.
Thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 79.454,3ha, cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thửa với số lượng 617.964/622.861 (đạt 99,21%). Thành phố có 164 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 141 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình đã tạo chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu.
Toàn thành phố đã có 6 huyện Nông thôn mới; 355/382 xã (chiếm 92,9%) được UBND TP công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, 13 xã được UBND TP công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Song song với việc chỉ đạo đồng bộ các xã xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy, UBND TP đã lựa chọn xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) sau khi hoàn thành xây dựng Nông thôn mới nâng cao tiếp tục xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô theo hướng đạt chuẩn tiêu chí xã Nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020 quy định tại Quyết định 691 của Thủ tướng Chính phủ và đạt chuẩn toàn bộ 7 tiêu chí theo quy định tại Quyết định 3745 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực, môi trường, an ninh, trật tự, văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, tổ chức sản xuất, du lịch thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020.
Cũng theo ông Chu Phú Mỹ, tính đến năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 51,5 triệu đồng/người/năm; 100% trạm y tế có bác sỹ công tác tại trạm; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố đạt 88,3%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 0,69%, đến nay 3 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức không còn hộ nghèo.
Về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến hết tháng 6/2020, thành phố đã đánh giá, phân hạng đối với 301 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 207 sản phẩm 4 sao; 88 sản phẩm 3 sao. Từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ phấn đấu có thêm 700 sản phẩm để hoàn thành nhiệm vụ Bí thư Thành ủy giao. Ngoài ra, thành phố tổ chức quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, với trên 140 chủ thể tham gia. Tại đây, đã có 109 biên bản ghi nhớ về kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP của thành phố.
Mục tiêu cuối cùng là đời sống của người dân phải được nâng cao
Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu 100% xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 30% xã Nông thôn mới nâng cao và 15% xã Nông thôn mới kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới Thủ đô và 100% huyện đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2025. Thành phố cũng phấn đấu mỗi năm đánh giá, phân hạng 400 sản phẩm OCOP.
Đánh giá cao và bày tỏ ấn tượng trước kết quả phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới của thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cơ bản thống nhất với định hướng, mục tiêu nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025, đồng thời cho rằng, Hà Nội cần khơi dậy mạnh hơn tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm OCOP của thành phố. Đặc biệt, Hà Nội cần hướng tới mục tiêu là trung tâm về cung ứng và sáng tạo các sản phẩm OCOP; Đầu mối để thu hút sản phẩm OCOP cả nước và xuất khẩu hàng nông sản...
Đồng chí cũng lưu ý Hà Nội cần tính toán để nâng tỷ lệ số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao trong nhiệm kỳ tới, đảm bảo đồng bộ với tiêu chí của Trung ương và phù hợp với đặc thù, thế mạnh của Hà Nội. Trong quá trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, cần bổ sung một số nội dung, trong đó có việc xây dựng “làng thông minh” trong Nông thôn mới để nâng cao hiệu quả quản trị. Cùng với đó, hết sức lưu ý đến vấn đề môi trường và đảm bảo an ninh trật tự tại các xã. Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ kinh nghiệm của một số địa phương trong việc chính quyền hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân trong việc tự xử lý rác thải tại nguồn và đề nghị Hà Nội nghiên cứu, triển khai để giảm áp lực cho các nhà máy xử lý rác thải.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, cuộc làm việc của đoàn nhằm cụ thể hóa chương trình phối hợp công tác giữa thành phố Hà Nội với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng chí nêu rõ, Hà Nội xác định phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân tiếp tục là một nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới. Tiếp thu các ý kiến của đoàn công tác, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán, đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ tới có trên 40% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, xây dựng Nông thôn mới là một quá trình không có điểm kết thúc. Thành phố cũng xác định, sau khi hoàn thành xây dựng Nông thôn mới phải tiếp tục xây dựng Nông thôn mới nâng cao, tiến tới Nông thôn mới kiểu mẫu. Do vậy, Hà Nội kiến nghị Trung ương không nên có bộ khung cứng về Nông thôn mới kiểu mẫu, mà nên để các địa phương tùy đặc điểm tình hình để xây dựng các tiêu chí cụ thể... Mục tiêu cuối cùng là đời sống của người dân phải được nâng cao hơn và người dân là người thụ hưởng thành quả xây dựng Nông thôn mới.
Về giải pháp xây dựng Nông thôn mới gắn với đô thị hóa, hiện nay Hà Nội đã phê duyệt Đề án 5 huyện hoàn thành xây dựng Nông thôn mới để phát triển lên quận. Về mặt cơ sở pháp lý đã đầy đủ, đồng thời các điều kiện của 5 huyện cũng cơ bản đáp ứng, do vậy Hà Nội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủng hộ thành phố trong vấn đề này để nâng tỷ lệ đô thị hóa, đáp ứng xu hướng phát triển và tình hình thực tiễn. Đồng chí cũng kiến nghị Bộ quan tâm, hỗ trợ thành phố để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận các huyện của thành phố đạt chuẩn Nông thôn mới trong năm nay.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng cho biết, Hà Nội sẽ phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam để xây dựng Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp trong nông nghiệp, thông qua đó vừa hỗ trợ nghiên cứu, phát triển các nguồn giống cây trồng, vật nuôi để cung ứng cho Hà Nội và cả nước.