Đây là thông tin được PGĐ phụ trách Sở Nội vụ TP Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết khi phát biểu tham luận tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019 của Bộ Nội vụ.

Năm 2019, ngành nội vụ xác định phương châm hành động là: “Hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ cương, tăng cường truyền thông, đẩy mạnh công nghệ”. Trong đó, công tác tinh gọn bộ máy đang được thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Văn Hùng cho biết, các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

ha noi co ban sap xep tinh gon xong toan bo co quan hanh chinh don vi su nghiep
Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác ngành nội vụ 6 tháng đầu năm. Ảnh: Phương Thảo

Theo thống kế đã có 61/63 tỉnh báo cáo việc triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; có 4 tỉnh không thuộc diện sắp xếp nhưng vẫn tiến hành sắp xếp. Có 20/713 đơn vị hành chính cấp huyện phải tiến hành sắp xếp và có 623/11.160 thuộc đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp. Hiện, toàn ngành nội vụ đang tập trung tham mưu thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm kịp tổ chức đại hội Đảng ở cấp huyện, cấp xã trong năm 2020.

Ông Phan Văn Hùng đề nghị các địa phương cần lưu ý 3 vấn đề khi sắp xếp, đó là: làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân; sớm có phương án sắp xếp cán bộ, công chức phù hợp; giải quyết tốt và thực hiện nghiêm các quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp.

Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Đăng Minh, về tinh giản biên chế, từ năm 2015 đến 30-6-2019, ngành nội vụ đã thẩm tra và quyết định tinh giản được 41.515 biên chế. Tính đến tháng 6-2019, biên chế khối cơ quan Chính phủ quản lý đã giảm được 6,75% so với số giao năm 2015; đã có 54/63 tỉnh đã thực hiện việc sáp nhập các trung tâm có chức năng tương đồng để thành lập Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật; có 437/713 đơn vị cấp huyện thực hiện hợp nhất BV huyện và trung tâm y tế…

Tham luận tại hội nghị “Về mô hình xây dựng chính quyền đô thị trong điều kiện thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã”, PGĐ Nguyễn Đình Hoa cho biết, đến nay, TP Hà Nội đã cơ bản sắp xếp, tinh gọn xong toàn bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc TP.

Cụ thể, TP đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 23 Sở và tương đương, sau sắp xếp giảm 1 cơ quan hành chính ngang Sở (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo GPMB), giảm 49 phòng (từ 208 phòng xuống 159 phòng), giảm 29 trưởng phòng, 120 phó trưởng phòng.

Đồng thời, thống nhất tổ chức 12 phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã, giảm 3 phòng dân tộc tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, chức năng quản lý Nhà nước về dân tộc giao về Văn phòng HĐND và UBND huyện.

Cùng với việc sắp xếp các cơ quan hành chính, UBND TP đã sắp xếp các đơn vị sự nghiệp tinh gọn, hiệu quả, theo đó, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở giảm từ 401 đơn vị xuống 280 đơn vị, giảm 121 đơn vị (30,2%). Các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện giảm từ 206 đơn vị còn 96 đơn vị, giảm 110 đơn vị (53,4%).

Hiện, TP đang hoàn thành Đề án sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH. Tổ chức Trung tâm Điều hành thông minh TP, thí điểm Văn phòng tư vấn dịch vụ hành chính công quận Long Biên…

Cho biết Bộ Chính trị đã có Kết luận số 46-KL/TƯ ngày 19-4-2019 của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hoa cho biết, dự kiến, triển khai mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn TP Hà Nội (từ năm 2021), sẽ đảm bảo tăng thu ngân sách địa phương khoảng 10%; tốc độ tăng trưởng kinh tế Thủ đô trung bình giai đoạn 2021-2025 cao hơn khoảng 1,0 - 1,5%/năm so với việc chưa thực hiện áp dụng mô hình chính quyền đô thị…

PGĐ Nguyễn Đình Hoa cũng kiến nghị Chính phủ và các Bộ quản lý chuyên ngành quan tâm, cho phép Hà Nội được thực hiện phân cấp tại 35 vấn đề thuộc 11 nhóm lĩnh vực như đã đề xuất tại Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và đã được Bộ Chính trị thông qua chủ trương tại Kết luận số 46-KL/TƯ; phân cấp, phân quyền cho UBND TP về việc điều chỉnh vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, tạo sự chủ động cho địa phương… TP Hà Nội cũng tiếp tục kiến nghị Trung ương cần có cơ chế, chính sách để chuyển sang tự chủ đối với khối giáo dục, để không ảnh hưởng đến an sinh xã hội mà vẫn đảm bảo mục tiêu tinh giản biên chế.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-co-ban-sap-xep-tinh-gon-xong-toan-bo-co-quan-hanh-chinh-don-vi-su-nghiep-155790.html

Về công tác xây dựng thể chế, chính sách, ngành nội vụ đã tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 xem xét, cho ý kiến đối với các dự án sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Quốc hội và Chính phủ tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện Dự thảo để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8. Đồng thời, đang tập trung xây dựng Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định; chủ động xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành các Luật.

Theo Pháp luật xã hội