Theo báo cáo của Sở Nội vụ Hà Nội, 5 huyện gồm Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh và Đan Phượng đang làm đề án lên quận. Nếu tất cả đề án được thông qua, Hà Nội sẽ có 17 quận vào năm 2020.

Hoài Đức phấn đấu lên quận năm 2020

Ngày 18/9, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4926/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng chương trình; chỉ đạo, giám sát, đôn đốc thực hiện các giải pháp để có thể huy động, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan Trung ương, các cơ quan của thành phố, doanh nghiệp trong và ngoài nước, của nhân dân... tập trung thực hiện được các dự án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức đã được xác định trong đề án, đảm bảo đến năm 2020 đạt được đủ các tiêu chí thành lập quận.

Khu đô thị Lê Trong Tấn - Geleximco thuộc địa bàn huyện Hoài Đức

Khu đô thị Lê Trong Tấn - Geleximco thuộc địa bàn huyện Hoài Đức

Hiện Sở Nội vụ Hà Nội đang phối hợp với UBND huyện Hoài Đức xây dựng Đề án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức thành quận năm 2020. Đề án đã được các sở, ban, ngành đóng góp ý kiến và sau khi chỉnh sửa tiếp thu đã được xin ý kiến Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Huyện Hoài Đức hiện có 19 xã và một thị trấn, nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 16km, diện tích tự nhiên 8.246 ha, dân số trên 230.000 người. Nơi đây tập trung nhiều khu đô thị mới như Bắc An Khánh, Nam An Khánh, Geleximco, Bắc quốc lộ 32, Vân Canh, khu nhà ở biệt thự sinh thái cao cấp An Khánh...

Đông Anh được chọn là trung tâm của đô thị thông minh

Ngày 23/10, trong buổi làm việc cùng lãnh đạo huyện Đông Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Đông Anh là huyện đóng vai trò rất quan trọng ở cửa ngõ phía Bắc thành phố; tới đây, trong chiến lược phát triển Thủ đô có nhiều dự án lớn, tầm cỡ được xây dựng tại đây. Thành phố xác định mục tiêu phát triển Đông Anh trở thành quận vào năm 2020, là trung tâm của đô thị thông minh.

Phối cảnh Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh với vốn đầu tư là 94.349 tỷ đồng do Liên doanh Sumimoto (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG đầu tư.

Phối cảnh Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh với vốn đầu tư là 94.349 tỷ đồng do Liên doanh Sumimoto (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG đầu tư.

Với lợi thế địa bàn rộng, Đông Anh có nhiều tiềm năng phát triển thành một đô thị hiện đại. Vì vậy, huyện cần triển khai đồng bộ các biện pháp để sớm xây dựng Đông Anh trở thành quận; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lập quy hoạch chi tiết 1/500 theo hướng là quận trung tâm của đô thị thông minh với các khu công viên phần mềm, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm cao cấp, trung tâm y tế…

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu huyện Đông Anh đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tạo các trường học, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện lên 85% vào năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời, để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, huyện cần nhanh chóng hoàn thành xây dựng các thiết chế văn hóa, quản lý chặt các di tích, không để phát sinh vi phạm trật tự đất đai; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng các dự án trọng điểm của thành phố.

Hà Nội xem xét đề án nâng cấp huyện Đan Phượng lên quận

Ngày 2/11, Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Đức Chung nhận định Đan Phượng là huyện nằm trong vùng văn hóa xứ Đoài, có tốc độ đô thị hóa, hạ tầng cơ sở phát triển nhanh và có nhiều tiềm năng phát triển, do đó Chủ tịch đề nghị tập thể lãnh đạo huyện thành lập ban chỉ đạo, mời các đơn vị tư vấn, các sở, ngành của Thành phố hỗ trợ để xây dựng đề án phát triển huyện thành quận, trình Thành phố xem xét vào đầu năm 2019. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng giao Viện Quy hoạch Hà Nội và Sở QHKT lập quy hoạch 1/500 toàn huyện, sớm trình Thành phố.

Ông Nguyễn Đức Chung đánh giá, trong những năm qua, đặc biệt 10 tháng năm 2018, huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, kinh tế phát triển tăng trưởng cao (9,3%); thu ngân sách đạt cao; trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp như chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao; an sinh xã hội được đảm bảo, hoàn thành việc sửa chữa, xây mới nhà ở cho người nghèo; cấp sổ đỏ đạt 99%; cơ bản hoàn thành cung cấp đất dịch vụ cho người dân…

Gia Lâm sẵn sàng trở thành đô thị phía Ðông Thủ đô

Gia Lâm nằm ở cửa ngõ phía Đông, được xác định là vùng kinh tế trọng điểm của Thủ đô Hà Nội. Trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đã và đang được đầu tư xây dựng; nhiều khu đô thị, khu công nghiệp và các trung tâm thương mại được hình thành; nhiều làng nghề nổi tiếng, thu hút đông khách thập phương trong và ngoài nước như làng gốm sứ Bát Tràng, dát vàng, may da Kiêu Kỵ, chế biến thuốc bắc Ninh Giang. Đây chính là những động lực và tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ giao thông, giao lưu hàng hoá hiện nay và trong tương lai.

Tháng 6/2018, UBND thành phố Hà Nội có quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Gia Lâm, tỷ lệ 1/500. Tổng diện tích đất khu vực nghiên cứu quy hoạch khoảng 420ha và quy mô dân số khoảng 89.500 người. Quy hoạch này nhằm mục đích cụ thể hóa định hướng điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của thành phố trên nguyên tắc đảm bảo đồng bộ giữa quy mô dân số với các định hướng tổ chức không gian và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội có liên quan...

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, huyện đang khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện và trình phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2020 theo chỉ đạo của thành phố.

Thanh Trì sớm hoàn thiện hồ sơ phát triển thành quận

Ngày 31/10, trong buổi làm việc với huyện Thanh Trì về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng 10 tháng đầu năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm 2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung lưu ý, Thanh Trì cần quyết liệt sớm hoàn thiện hồ sơ đưa Thanh Trì phát triển thành quận để lãnh đạo thành phố xem xét.

Thành phố sẽ hỗ trợ hoàn thiện quy hoạch 1/500 toàn huyện. Bên cạnh đó, huyện cần rà soát các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển lên quận để bổ sung, nâng cao tiêu chí cho phù hợp, trong đó đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí về chính sách an sinh xã hội, dành quỹ đất để phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng các thiết chế văn hóa, các khu vực dành cho doanh nghiệp... tạo nguồn lực phát triển.

Nêu kinh nghiệm của các quận Long Biên, Hoàng Mai khi bố trí tái định cư bằng đất có tình trạng xây dựng không đồng bộ, mất mỹ quan đô thị, theo Chủ tịch UBND thành phố, Thanh Trì cần hướng tới quy hoạch thành quận đi đôi với việc chuyển hướng tái định cư ở nhà cao tầng, hình thành bộ mặt đô thị hiện đại.

Năm 2013, sau khi huyện Từ Liêm được tách làm hai quận, tổng số quận của thành phố Hà Nội lên 12 (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm). Hiện thành phố có 17 huyện và một thị xã, với tổng số đơn vị hành chính cấp xã là 584 (386 xã, 177 phường, 21 thị trấn), gần 8.000 thôn, tổ dân phố.

 

 

Theo dothi.reatimes.vn